Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa đưa ra những khuyến nghị để phát triển du lịch Việt Nam bền vững trong ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15 (năm 2024) với chủ đề: “Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”.
Tiếp thị điểm đến thông qua điện ảnh
Thông qua cuộc khảo sát, EuroCham nhận định việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài còn chưa hiệu quả khi số liệu của cơ quan du lịch cho thấy Việt Nam có tỉ lệ khách quay trở lại du lịch chỉ 5% trong khi Thái Lan là 50%. Từ đó, EuroCham đề xuất Việt Nam cần bảo đảm khách du lịch có trải nghiệm tích cực trong chuyến đi, khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè, gia đình và lưu giữ những kỷ niệm đẹp về hành trình. Sự hiếu khách và nồng nhiệt của người dân địa phương đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.
Bà Đoàn Hồng Hoa, Giám đốc Công ty Đoàn Gia Tourist, cho rằng cần đa dạng hóa chiến lược tiếp thị điểm đến để khách quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn. Du lịch Việt Nam phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi các thị trường này còn hạn chế về chính sách du lịch nước ngoài. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế thời gian qua chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên. Trong khi đó, sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm. Bà Hoa cho rằng chúng ta mới tiếp cận theo cái sẵn có mà chưa tiếp cận theo nhu cầu của du khách, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến việc thu hút khách.
Khuyến nghị thêm về tiếp thị điểm đến, EuroCham cho rằng Việt Nam cần tăng cường tiếp thị điểm đến, tiếp tục khám phá những nhân tố du lịch mới như trong các thị trường khách Halal (khách du lịch Hồi giáo), Ấn Độ là một thị trường đầy triển vọng. Ngoài ra, cần sử dụng điện ảnh làm công cụ tiếp thị. Điện ảnh là một kênh tiếp cận tốt mà Việt Nam có thể cân nhắc để thu hút các đoàn làm phim quốc tế nhằm tạo ra sự kết hợp mạnh mẽ hơn giữa điện ảnh và du lịch, đồng thời đưa Việt Nam trở thành địa điểm quay phim cạnh tranh ở Đông Nam Á.
Đề xuất mở rộng diện miễn thị thực
EuroCham đánh giá những chính sách mới về thị thực đã có tác động mạnh đến du lịch Việt Nam trong năm 2023. Điều này đặc biệt có lợi cho du khách châu Âu có thu nhập trung bình và cao, bao gồm những người về hưu đang tìm kiếm kỳ nghỉ dài. Để thu hút hơn nữa nguồn khách từ châu lục này, EuroCham tiếp tục đề xuất miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
EuroCham cũng cho rằng việc gia hạn thị thực cũng phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch hơn, chẳng hạn như những người làm việc tự do trên môi trường kỹ thuật số và khách du lịch dài hạn khi mang lại sự linh hoạt cần thiết để làm việc từ xa, kết hợp với mức sống tiết kiệm và các trung tâm đô thị sôi động của Việt Nam. Điều quan trọng là các thủ tục hành chính, bao gồm trang thông tin cấp thị thực điện tử, phải được cập nhật và nâng cấp liên tục để đáp ứng số lượng đơn xin thị thực ngày càng tăng và nâng cao sự hài lòng của người dùng.
TS Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT LuxGroup, cho rằng những khuyến nghị của EuroCham là hoàn toàn chính xác và phù hợp với Việt Nam. Đề xuất miễn thị thực cho các tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu là hợp lý khi du khách đang có sự chuyển dịch, khách từ các nước Đông Âu sang Việt Nam nhiều hơn và đó là một tín hiệu tích cực.
Bên cạnh đó, EuroCham cho rằng du lịch y tế dần trở thành một loại hình du lịch được ưa chuộng tại Việt Nam. Trung bình 300.000 du khách nước ngoài mỗi năm đến khám chữa bệnh, trong đó TP HCM là điểm đến ưa thích của 40% lượng khách du lịch y tế này. Do đó, Việt Nam cần xây dựng ưu đãi thị thực dành riêng cho người hưu trí và y tế; quảng bá Việt Nam là điểm đến nghỉ dưỡng và du lịch y tế trên các kênh trong nước và quốc tế…
Ông Phạm Hà cho rằng chính việc thiếu chiến lược về định vị thương hiệu du lịch quốc gia dẫn tới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu tập trung, dàn trải, không có điểm nhấn và kém hiệu quả. Các doanh nghiệp du lịch xây dựng hình ảnh điểm đến và xúc tiến thị trường theo kiểu mạnh ai nấy làm, chồng chéo, thiếu sự đồng nhất… Điều này dẫn đến sự lúng túng trong việc tìm ra sản phẩm du lịch chủ đạo, có tính cạnh tranh cao để tạo điểm nhấn thương hiệu.