Nguồn tin của Zing cho biết ông Lê Viết Hải, cổ đông lớn của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) với tỷ lệ nắm giữ trực tiếp 17,14% cổ phần, đã yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường. Tuy nhiên, thời gian tổ chức cuộc họp chưa được xác định vì còn cần nhiều thủ tục theo quy định pháp luật và điều lệ công ty.
Triệu tập họp cổ đông bất thường là một trong những quyền của cổ đông lớn (sở hữu từ 5% cổ phần phổ thông trở lên) được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020. Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Hòa Bình, gia đình ông Lê Viết Hải là nhóm cổ đông lớn nhất với tổng cộng hơn 21% cổ phần. Bên cạnh hai cổ đông lớn khác là Huyndai Elevator Co., Ltd (10,2%) và Sanei Architecture Planning (1,8%), gần 67% cổ phần còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Tại cuộc họp bất thường lần này, ông Lê Viết Hải dự kiến yêu cầu các cổ đông xem xét bãi nhiệm một số thành viên HĐQT, bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới, cũng như thay đổi một số quy định trong điều lệ công ty.
Bên cạnh đó, cuộc họp cũng sẽ đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của công ty được nhóm ông Nguyễn Công Phú – người được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Hòa Bình theo Nghị quyết 51 ban hành ngày 14/12/2022 – công bố cuối tuần trước.
Động thái này xuất hiện khi cuộc chiến giành quyền kiểm soát giữa hai vị Chủ tịch HĐQT lên đến đỉnh điểm. Hiện những tranh cãi chủ yếu xoay quanh tính pháp lý của cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022 dẫn đến ban hành Nghị quyết 53 hoãn bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT, để ông Lê Viết Hải tiếp tục làm Chủ tịch.
Giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ông Lê Viết Hải khẳng định cuộc họp và nghị quyết được tổ chức, ban hành đúng Điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp 2020. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Phú cho biết không tham dự cuộc họp này, do đó cuộc họp không đủ điều kiện tổ chức và ông vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Hòa Bình.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 5/1, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng – thành viên HĐQT độc lập kiêm thành viên Ủy ban Kiểm toán Hòa Bình – cho rằng mấu chốt khiến ông Lê Viết Hải phải từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT liên quan đến việc thất thoát tài chính khoảng 1.000 tỷ đồng của tập đoàn.
Nhóm này nhấn mạnh Hòa Bình đang được tổ chức như một công ty niêm yết gia đình trị dưới sự kiểm soát của ông Lê Viết Hải, do đó cần được cải tổ, tái cấu trúc toàn diện.
Sau khi những thông tin này được lan truyền, Hòa Bình đã phát đi thông cáo báo chí sáng 6/1 do ông Lê Viết Hải ký tên dưới chức danh Chủ tịch HĐQT, khẳng định các thành viên HĐQT này đã cố tình bóp méo, xuyên tạc, thậm chí nói ngược sự thật, với động cơ bôi nhọ danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo và danh tiếng của Hòa Bình cũng như quyền lợi của các cổ đông.
“Chúng tôi cho rằng động cơ thật sự của các thành viên này không gì khác hơn là giành quyền kiểm soát tập đoàn để dễ bề thao túng với mục đích trục lợi cá nhân. Không loại trừ động cơ của các hành vi này còn là tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài thâu tóm tập đoàn”, thông cáo báo chí nhấn mạnh.
Ngày 31/12/2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình công bố Nghị quyết số 53 hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch và xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải.
Theo đó, ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/1. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu và hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT theo Nghị quyết số 51 ban hành ngày 14/12/2022.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin này được công bố rộng rãi trên truyền thông, sáng 1/1, các thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi một thông cáo bác bỏ thông tin nói trên “do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện vào ngày 31/12/2022.