Tăng cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng
Trong đó, yêu cầu NHNN Việt Nam chỉ đạo các TCTD nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất.
Thực tế trong thời gian qua, NHNN cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tín dụng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng, góp phần làm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bà Mai Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng phù hợp với hoạt động của từng loại hình TCTD, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và hình thức cấp tín dụng. Từ đó mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thống của hệ thống ngân hàng để phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Một trong những điểm nhấn quan trọng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng là Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 được thị trường ghi nhận “tháo gỡ rào cản” rất lớn đối với cho vay tiêu dùng khi cho phép các TCTD cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.
Bản thân các NHTM cũng đang tích cực thúc đẩy tín dụng tiêu dùng qua nhiều gói vay ưu đãi, thiết kế riêng biệt cho từng nhóm đối tượng và lĩnh vực. Báo cáo từ 16 TCTD có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn cho thấy, hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai như gói 20.000 tỷ đồng của Agribank; gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng của HD Saison và FE Credit cho khách hàng là công nhân lao động.
Không chỉ vậy, các TCTD cũng tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư vào các hoạt động của mình, trong đó hướng tới khai thác “mỏ vàng” này để thúc đẩy cho vay tín chấp. Mới đây, LPBank cũng cho biết đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân triển khai các giải pháp, dịch vụ số trên ứng dụng VNeID và Đề án 06. Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, phát triển giải pháp, triển khai các sản phẩm, dịch vụ bao gồm xác thực – định danh điện tử, làm sạch dữ liệu thông tin khách hàng và liên kết các dịch vụ như ứng dụng giải pháp đánh giá mức độ khả tín khách hàng cho các sản phẩm vay tín chấp online; mở tài khoản, khoản vay/thấu chi trên ứng dụng VNeID…
Tạo niềm tin trên thị trường
Ngân hàng đã nỗ lực thúc đẩy các giải pháp, song theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, muốn kích cầu tiêu dùng thì cần phải sử dụng hai cánh kéo, tín dụng tiêu dùng chỉ là một cánh, cánh còn lại phải đến từ người tiêu dùng. “Chúng ta cần tạo niềm tin cho người dân. Khi người dân tin vào tương lai kinh tế ổn định hơn họ không thắt chặt hầu bao mà sẵn sàng chi tiêu trong thời điểm hiện tại bằng nguồn thu nhập khả dụng của mình, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của tín dụng tiêu dùng. Có cầu thì mới có cung”, ông Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, chính người tiêu dùng cũng cần tạo niềm tin đối với các TCTD. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho vay tiêu dùng được đánh giá là một lĩnh vực “nóng”. Hiện tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, đây là con số tương đối lớn. Toàn hệ thống có 15 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đang hoạt động. Tuy nhiên thời gian qua không chỉ dư nợ cho vay giảm, mà chất lượng tín dụng tiêu dùng cũng đi xuống, nợ xấu tăng cao. Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu lớn. Đặc biệt, khả năng thu hồi nợ rất khó khăn do khách hàng cố tình không trả nợ. Thậm chí họ còn thành lập các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, làm ảnh hưởng tâm lý cán bộ thu hồi nợ và hình ảnh, uy tín của các TCTD. Trước khó khăn trong công tác thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, VNBA đã có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị có giải pháp xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”, các hội nhóm “bùng nợ”…
Là ngân hàng đang triển khai mạnh mẽ hoạt động cho vay tiêu dùng, ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ, một trong những khó khăn khi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là không ít khách hàng vay vốn cố tình chây ỳ không trả nợ đúng hạn đã cam kết với ngân hàng, không hợp tác bàn giao tài sản để ngân hàng xử lý thu nợ dẫn đến ngân hàng phải thông qua cơ quan Tòa án để xét xử theo quy định của pháp luật, thời gian xử lý thu hồi nợ thường kéo dài. Ngoài ra, còn một số vướng mắc khác như trong trường hợp khách hàng vay tiêu dùng đáp ứng cho nhu cầu cấp bách nhưng thường khó đáp ứng được các quy định về hồ sơ vay vốn, chứng minh nguồn trả nợ; hoặc khách hàng cung cấp thông tin về phương án sử dụng vốn vay không chính xác dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định cho vay của ngân hàng. Bên cạnh đó, một số khách hàng vay tiêu dùng tại nhiều công ty tài chính với mức dư nợ nhỏ nên khi một khoản vay phát sinh nợ xấu thì ảnh hưởng đến phân loại nợ theo chính sách phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
Để khắc phục vấn đề này, ông Lê Trung Kiên, Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN Việt Nam khẳng định, cần hoàn thiện hành lang pháp lý bao quát hơn các chủ thể trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và các vấn đề xử lý nợ xấu. Đặc biệt, cần có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ. Các quy định hiện hành phải được hoàn thiện, đảm bảo cân bằng lợi ích, hạn chế tranh chấp, nghiên cứu xây dựng văn bản luật về tín dụng tiêu dùng…