Cần Giờ cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km về phía Đông Nam và là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, với đường bờ biển dài 23 km.
Xây dựng điểm đến độc đáo
Cần Giờ còn có diện tích rừng ngập mặn và sông rạch rất lớn, chiếm 70%. Rừng ngập mặn Cần Giờ ngoài đặc tính đan xen hệ thống kênh rạch chằng chịt còn chứa đựng các hệ sinh thái vô cùng phong phú, mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam. Năm 2000, khu rừng này đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Với vị trí địa lý đặc thù, được thiên nhiên ưu đãi, Cần Giờ có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, Cần Giờ còn có 7 di tích, di sản được xếp hạng và 1 làng nghề truyền thống (làng muối xã Lý Nhơn). Về mặt khảo cổ học, đến nay, trên địa bàn huyện Cần Giờ đã phát hiện 26 di tích khảo cổ học phân bố trên nhiều giồng, gò đất ven các con sông.
Những năm qua, Cần Giờ đã được đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, phát triển các sản phẩm và tuyến du lịch mới, tăng cường quảng bá hình ảnh với du khách. Tuy nhiên, ngoài điều kiện thuận lợi, Cần Giờ vẫn còn gặp một số khó khăn về hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch thiếu yếu tố hấp dẫn…
Trong tương lai, Cần Giờ nên phát triển những sản phẩm đặc thù với du lịch xanh, bền vững. Trong đó, ấp đảo Thiềng Liềng là một trong những điểm du lịch cộng đồng điển hình.
Với điều kiện tự nhiên đặc trưng cùng nhiều di tích văn hóa và bề dày lịch sử, Cần Giờ được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm).
Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm OCOP sẽ giải quyết được bài toán phát triển du lịch lẫn đầu ra cho các sản phẩm. Song song đó, Cần Giờ cần xây dựng các trạm dừng chân, khu trưng bày sản phẩm để quảng bá với người tiêu dùng.
Nâng cao vị thế sản phẩm OCOP
Ngoài việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, Cần Giờ cần xác định lợi thế để tạo nét riêng cho sản phẩm của mình, chất lượng phải khác biệt và giá thành cần phải chăng.
Thời gian tới, ngoài việc truyền thông, quảng bá nâng cao thương hiệu, Cần Giờ cần quan tâm xây dựng ổn định vùng nguyên liệu để duy trì chất lượng, sản lượng phục vụ các đơn hàng.
Bên cạnh đó, cần nâng chuẩn sao với sản phẩm OCOP đã có và sản phẩm mới; tổ chức các lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn Việt Nam về du lịch và tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cho doanh nghiệp, nông dân; tập huấn cho doanh nghiệp du lịch và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP về quản trị doanh nghiệp, tài chính, xây dựng và truyền thông thương hiệu; xây dựng trung tâm thông tin du lịch và giới thiệu sản phẩm OCOP…
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức phát triển sản phẩm OCOP dựa trên sinh thái; liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm, có chiến lược marketing…
Cần Giờ cần xây dựng kế hoạch để đưa các điểm du lịch sinh thái Dần Xây, khu du lịch Vàm Sát, khu du lịch cộng đồng Thiềng Liềng thành sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; làm cơ sở để gắn kết du lịch với việc quảng bá, tăng giá trị sản phẩm OCOP của địa phương.
Phát triển du lịch Cần Giờ phải song song với việc bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì vậy, khi triển khai sản phẩm du lịch, doanh nghiệp phải bảo đảm các tiêu chí xanh để phát triển bền vững.