Sáng ngày 02/04/2024, Anphabe – Đơn vị tư vấn tiên phong về các giải pháp Thương Hiệu Nhà Tuyển Dụng và Môi Trường Làm Việc Hạnh Phúc đã có buổi chia sẻ trực tuyến cùng với báo chí xoay quanh chủ đề “AI Trong Doanh Nghiệp – Cánh Cửa Cơ Hội Hay Bài Toán Thách Thức Người Đi Làm?”.
Diễn giả Điêu Hoàng Tú Uyên – Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn Nguồn nhân lực của Anphabe đã chia sẻ Báo cáo chuyên sâu độc quyền: Cung cấp số liệu và góc nhìn mới nhất về AI từ góc độ người đi làm và doanh nghiệp. Cơ hội & Thách thức thực tế: AI đang mở ra cơ hội hay tạo thêm áp lực cho người đi làm?

Theo khảo sát của McKinsey & Company năm 2024 có hơn 78% doanh nghiệp trên thế giới đã ứng dụng AI vào ít nhất một chức năng kinh doanh và AI tạo sinh (Generative AI) được tích hợp trong hoạt động của 71% tổ chức. Còn theo khảo sát Tương lai công việc 2024 của Anphabe về tình hình ứng dụng AI trong tổ chức của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ có 32% doanh nghiệp đã triển khai và vận dụng A.I. đa phương diện.
AI được cho là cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất kể từ khi Internet xuất hiện. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, việc ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh giúp tăng năng suất, tiết giảm các chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thực tế ứng dụng tại các doanh nghiệp chủ yếu vẫn đang dẫn đầu bởi phòng Công nghệ thông tin với mục tiêu phục vụ khách hàng, chưa mở rộng trong nâng cao trải nghiệm làm việc của các nhóm nhân viên.
Hiện nay, các công cụ AI đang ngày càng phổ biến và được thiết kế để tối ưu hóa cho hoạt động của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng AI để phân tích hành vi người tiêu dùng, tối ưu chiến lược quảng cáo, cải thiện dịch vụ khách hàng, giảm chi phí nhân sự, và nâng cao trải nghiệm người dùng…
Đối diện với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng nhằm bắt kịp với những biến động của thị trường. Cụ thể, có 61% doanh nghiệp có khả năng cao và 14% có khả năng rất cao sẽ triển khai việc ứng dụng phổ biến công nghệ & AI ở quy mô lớn, trên toàn công ty trong vòng 5 năm tới.
75% người lao động tin rằng doanh nghiệp sẽ ứng dụng AI rộng rãi trong công việc trong 5 năm tới. Nhìn chung người lao động đang nhanh chân hơn trong cuộc chơi ứng dụng AI để hỗ trợ công việc, với 36% người lao động thỉnh thoảng sử dụng AI trong công việc và 20% người lao động thường xuyên sử dụng hơn. Và trong số các người lao động sử dụng AI vào công việc, có đến 77% người lao động sử dụng với tần suất hàng ngày & hàng tuần. Chỉ có 24% hoàn toàn không biết hoặc không sử dụng AI trong công việc hay sinh hoạt.
Bà Tú Uyên cho biết: “Với sự gia nhập của AI vào công việc, người lao động hiện đang có một góc nhìn tương đối tích cực về các ứng dụng của AI. Cụ thể, có đến gần 77% người lao động cảm thấy AI hiện đang giúp họ tiết kiệm thời gian & mong muốn AI có thể hỗ trợ họ nhiều hơn nữa trong công việc. Và đối diện với một tương lai của AI, có khoảng 60% người lao động đánh giá rằng AI sẽ là người hỗ trợ họ, nâng cao năng lực cũng như là hợp tác & bổ sung cho nhau để đạt hiệu quả tốt hơn ở khía cạnh công việc”.
Mặc dù ứng dụng nhiều công nghệ & AI vào công việc, người lao động lại không hoàn toàn để hiệu quả công việc phụ thuộc vào AI. Cụ thể, gần 66% người lao động sẽ làm lại nếu sử dụng AI mà chưa có kết quả như mong muốn và gần 56% người lao động sẽ nghiên cứu lại cách đặt đề bài cho AI để đạt hiệu quả tốt hơn trong công việc.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính rằng đến năm 2025, AI sẽ khiến 85 triệu người mất việc làm nhưng đồng thời tạo ra 97 triệu việc làm mới, đòi hỏi những kỹ năng mới và sự thích nghi từ lực lượng lao động.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng đến năm 2030, hơn 40% việc làm trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Hơn 60% tại các nền kinh tế phát triển việc làm sẽ bị AI ảnh hưởng. Khoảng một nửa số người bị ảnh hưởng bởi AI sẽ được hưởng lợi. Nửa còn lại sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ, tiền lương của họ có thể giảm hoặc họ có thể mất việc ngay lập tức.
46% Doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận khó thu hút nhân tài chất lượng đáp ứng yêu cầu.
Theo khảo sát của LinkedIn – Work Change Report – 2024, người đi làm ngày nay xử lý khối lượng công việc GẤP ĐÔI so với 15 năm trước. Với sự hỗ trợ của A.I, đến 2030, 70% kỹ năng của hầu hết công việc sẽ thay đổi. Kể từ 2022, tốc độ cập nhật kỹ năng mới vào hồ sơ của thành viên LinkedIn tăng 140%.
Mặc dù có thái độ đón nhận khá tích cực về AI trong công việc, người lao động cũng có những nỗi lo lắng rất rõ ràng về tác dụng phụ khi AI giúp họ. Trong số đó, có khoảng 1/2 người lao động lo lắng rằng AI sẽ thay thế nhiều vị trí công việc và 43% người lao động cảm thấy lo ngại về chất lượng sản phẩm khi sử dụng AI cho công việc.
Trong quá trình triển khai công nghệ ở quy mô toàn công ty, top 3 khó khăn doanh nghiệp thường gặp là: Nhân viên không có đủ thời gian để học cách sử dụng (40%), Thiếu sự hợp tác giữa các phòng ban trong việc sử dụng (34%) và Phần mềm đòi hỏi nhiều thời gian làm quen & sử dụng thành thạo (32%).
Để có thể sử dụng các công nghệ & AI một cách hiệu quả trong công việc, nhiều người lao động cảm thấy họ cần thêm thời gian tìm hiểu & học hỏi kỹ càng về công nghệ trước khi sử dụng. Cụ thể, có đến 42% người lao động cho rằng lý do chính khiến họ hạn chế sử dụng AI trong việc là vì họ cần thời gian để tìm hiểu & học hỏi thêm.
Nhìn chung, chỉ có khoảng 53% nhân viên nhận được sự đào tạo của doanh nghiệp về triển khai ứng dụng công nghệ vào công việc. Trong số đó, có khoảng 52% nhân viên hài lòng về việc đào tạo. Điều này đồng nghĩa rằng còn khoảng 48% nhân viên chưa hài lòng với việc đào tạo của doanh nghiệp.
Có thể thấy, ứng dụng AI trong doanh nghiệp đang là một xu hướng phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để ứng dụng AI thành công, theo các chuyên gia công nghệ thông tin, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chiến lược, nguồn lực và con người. Các doanh nghiệp cần tiếp cận dần và đề ra kế hoạch rõ ràng, công việc cho từng giai đoạn để mang lại hiệu quả cao nhất.
Tôn Quyên