Sau một thời gian dài im ắng, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được các công ty địa ốc lớn nhỏ trên cả nước triển khai xây dựng. Mới đây nhất, đầu tháng 5/2023, liên danh Công ty Cổ phần Viet Incons – Công ty Cổ phần Vinaconex 21 – Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại Hà Nội (DLHC) đã chính thức được UBND tỉnh Thanh Hoá lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 3.721 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 28.002,9m2, gồm 2 khu A – B. Quy mô dự án gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình nhà ở xã hội với 4 khối nhà, mỗi khối cao 25 tầng… sơ bộ cơ cấu sản phẩm gồm khoảng 2.400 căn hộ. Sau khi được công nhận là nhà đầu tư dự án, liên danh trên đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ngoài dự án này, theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi tới Bộ Xây dựng về danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội khác nhau, gồm: nhà ở xã hội tại khu dân cư Đông Nam khu đô thị Đông Phát, TP.Thanh Hóa (Tân Thành ECO2), chủ đầu tư là Công ty TNHH Tân Thành 1; nhà ở xã hội thôn Bào Ngoại, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, do Công ty Cổ phần thương mại -Xây dựng 379 làm chủ đầu tư; nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa do Công ty Cổ phần phát triển đô thị Bắc Miền Trung làm chủ đầu tư; nhà ở xã hội AMCI tại phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa do Công ty Cổ phần phát triển AMC Toàn Cầu làm chủ đầu tư; nhà ở công nhân khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, TP. Thanh Hóa do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Bất động sản nhà Việt Nam làm chủ đầu tư; nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu vực phía đông khu công nghiệp Lễ Môn do Công ty TNHH Giầy Sunjade Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tại tỉnh Nghệ An, quý III/2022, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Miền Trung MK cũng đã triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp Nam Cấm tại vị trí số 3, thuộc khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.495 tỷ đồng, có quy mô 3.420 căn hộ, trong đó có 2.880 căn là nhà ở xã hội, 540 căn là nhà ở thương mại trên tổng diện tích mặt đất sử dụng là hơn 108.000 m2. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đi vào hoạt động trong quý I/2027 và sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 9.970 người.
Cùng thời điểm với dự án này, UBND tỉnh Nghệ An cũng chấp thuận cho Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế BMC làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp Nam Cấm tại vị trí số 4, thuộc khu kinh tế Đông Nam. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.385 tỷ đồng, quy mô đầu tư đạt 3.370 căn hộ, trong đó có 2.916 căn là nhà ở xã hội, 121 căn là nhà ở thương mại. Diện tích mặt đất sử dụng là hơn 92.000 m2. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đi vào hoạt động trong quý I/2027.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, đến năm 2030, tỉnh cần khoảng 15.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân. Hiện nay, ngoài 2 dự án nhà ở xã hội trên đang được xây dựng thì còn 1 dự án nhà ở xã hội khác ở bàn xã Nghi Xá (Nghi Lộc) do Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Thi làm chủ đầu tư và 1 dự án nhà ở khác của Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam đang làm thủ tục để triển khai xây dựng.
Tại TP. Đà Nẵng, trong năm 2023, loạt dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động cũng đang được các nhà đầu tư triển khai đồng bộ. Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với 7.023 căn hộ. Các dự án này gồm: chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên, 209 căn; chung cư thu nhập thấp tại khu tái định cư Đại Địa Bảo, 739 căn; chung cư thu nhập thấp tại khu dân cư An Trung 2, 957 căn; khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh 1.760 căn; chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-1 thuộc khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, 1.549 căn; chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, 1.809 căn.
Ngoài ra TP. Đà Nẵng còn 4 dự án nhà ở xã hội với 4.119 căn hộ đang kêu gọi đầu tư gồm: nhà ở xã hội tại khu đất B4-1, B4-2 thuộc khu tái định cư Hòa Hiệp 4, 1.564 căn; nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 3 thuộc khu B – khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, 719 căn; nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 5 thuộc khu B – khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, 1.236 căn; nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Hòa Cầm, giai đoạn 2, 600 căn.
Bên cạnh các dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai xây dựng thì nhiều dự án nhà ở xã hội khác tại các địa phương dọc dài miền Trung đang được lập dự án hoặc kêu gọi đầu tư như: dự án khu nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh, tỉnh Quảng Bình có diện tích sử dụng đất 9,6ha, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội quy mô vốn 700 tỷ đồng tại TP. Đông Hà do Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings đề xuất đầu tư…
Nhận định về xu hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở này, đại diện một nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Quảng Trị cho rằng: “Giữa lúc thị trường bất động sản đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ cuối năm 2022 thì việc triển khai phân khúc nhà giá rẻ có thanh khoản tốt đã phần nào giúp hâm nóng lại thị trường”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Long, chủ một doanh nghiệp đang triển khai dự án nhà ở xã hội tại khác tại Nghệ An, cũng nhận định việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ ở giai đoạn này không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn có thể “rã đông” thị trường địa ốc.
Nhận định về phân khúc nhà ở xã hội trong thời gian tới, bà Trần Thị Hương – một chuyên gia nghiên cứu đầu tư khu vực miền Trung, cho rằng chính sách phát triển loại hình nhà ở xã hội đang rất thực tế, phù hợp, hữu ích đối với những đối tượng khách hàng. “Nhu cầu về nhà ở giá rẻ hiện nay rất nhiều và trong lúc thị trường bất động sản hạng sang đóng băng, dễ hiểu vì sao các nhà đầu tư lại lựa chọn phân khúc này để phát triển”.