Character.AI, công ty được thành lập bởi 2 cựu nhân viên Google, vừa huy động thành công 150 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất dẫn đầu bởi công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Andreessen Horowitz. Điều này giúp định giá Character.AI chạm mốc 1 tỷ USD, theo WSJ.
Đại diện công ty cho biết Character.AI chưa tạo ra doanh thu nhưng có thể sớm cung cấp dịch vụ đăng ký cao cấp. Đây là công ty mới nhất huy động vốn thành công trong cuộc đua phát triển AI – thứ được OpenAI khởi xướng sau khi phát hành chatbot ChatGPT vào tháng 11.
“Tôi nghĩ mọi người đang bắt đầu nhận ra giá trị của sản phẩm này,” Giám đốc điều hành Character.AI Noam Shazeer cho biết.
Trước đó, Character.AI ra mắt phiên bản đầu tiên vào tháng 9, cho phép người dùng tạo và tương tác với các chatbot đóng vai nhân vật hoặc người nổi tiếng như Elon Musk và Vladimir Putin. Công ty được thành lập vào tháng 11/2021 bởi hai cựu kỹ sư của Google là Daniel De Freitas và Noam Shazeer; hiện có 22 nhân viên và gần 100 triệu khách truy cập mỗi tháng vào trang web.
Theo CB Insights, hàng chục công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo đều là những kỳ lân trị giá hàng tỷ USD, bao gồm cả OpenAI. OpenAI đã khởi động sự bùng nổ AI gần đây, qua đó đưa startup chatbot trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
Microsoft trước đó cam kết rót hàng tỷ USD trong vài năm vào Open AI. Công ty này hồi đầu năm đã tham gia đàm phán bán cổ phần hiện có trong một đợt chào mua công khai – thứ có thể đưa định giá công ty lên khoảng 29 tỷ USD và trở thành một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất nước Mỹ.
Quay trở lại hơn 2 năm về trước – thời điểm 2 nhà nghiên cứu của Google thúc đẩy tập đoàn này phát hành một chatbot được xây dựng dựa trên công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ. Nó có thể tự tin tranh luận về triết học, tán gẫu về các chương trình truyền hình yêu thích và thậm chí là chơi chữ.
Daniel De Freitas và Noam Shazeer khẳng định các chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo này sẽ có thể cách mạng hóa cách con người tìm kiếm và tương tác máy tính, vậy nên Google cần sớm tích hợp nó vào trợ lý ảo Google Assistant và ra mắt bản demo công khai.
Trong nhiều năm, dự án này, ban đầu có tên Meena, luôn được giữ bí mật, phần vì Google quan ngại rủi ro của các chatbot. Trước đó, Microsoft đã buộc phải chấm dứt phát hành một chatbot có tên Tay vào năm 2016 vì sự cố kỹ thuật.
Mãi đến năm 2020, những thông tin đầu tiên về Meena mới được tiết lộ. Nhóm kỹ sư đứng đằng sau Meena cũng muốn sớm phát hành, ngay cả khi chỉ ở định dạng hạn chế. Tuy nhiên, lãnh đạo Google khi đó không cùng chung tầm nhìn với họ. Ai nấy đều cho rằng chương trình này không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn và công bằng AI.
Dẫu vậy, dự án vẫn tiếp tục trong âm thầm. Ông Shazeer, kỹ sư phần mềm lâu năm tại đơn vị nghiên cứu AI Google Brain, bắt đầu tham gia nhóm phát triển, đổi tên nó thành LaMDA (Language Model for Dialog Applications) và tích hợp bên trong nhiều dữ liệu và tính năng mới. Shazeer cũng có công phát triển Transformer – một loại mô hình AI mới được cho là có thể hỗ trợ các chương trình đứng đằng sau chatbot.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Google, Jeff Dean, đã nỗ lực nâng đỡ quá trình phát triển AI có trách nhiệm. Hồi tháng 5/2021, công ty cam kết tăng gấp đôi quy mô nhóm kỹ sư, đồng thời hỗ trợ giúp chatbot trở nên chính xác hơn, ít rủi ro hơn.
“Ưu tiên cao nhất của chúng tôi, khi tạo ra các công nghệ như LaMDA, là giúp chúng giảm tối đa rủi ro”, hai phó Chủ tịch Google cho biết trong một bài đăng trên blog.
Từ năm 2020, De Freitas và Shazeer tìm cách tích hợp LaMDA vào Google Assistant – một ứng dụng ra mắt 4 năm trước đó trên điện thoại thông minh Pixel và hệ thống loa gia đình. Hơn 500 triệu người đang sử dụng Assistant mỗi tháng để thực hiện các tác vụ cơ bản như kiểm tra thời tiết và lên lịch các cuộc hẹn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Google sau đó quyết định ngừng cung cấp chatbot dưới dạng bản demo công khai. Việc Google miễn cưỡng phát hành LaMDA ra công chúng khiến De Freitas và Shazeer thất vọng. Đích thân CEO Pichai đã can thiệp, yêu cầu cặp đôi ở lại và tiếp tục nghiên cứu LaMDA song không hề hứa sẽ phát hành chatbot ra công chúng. Kết quả, 2 vị kỹ sư đã rời đi vào cuối năm 2021.
“Nó đã gây ra một chút xáo trộn bên trong Google,” ông Shazeer. “Chúng tôi nghĩ có lẽ mình sẽ may mắn hơn nếu tung ra chatbot khi là một công ty khởi nghiệp”.
Giờ đây, Google có lẽ đã hối hận với cách tiếp cận thận trọng của mình. Nó lặng lẽ nhìn đối thủ của mình là Microsoft công bố kế hoạch kết hợp công cụ tìm kiếm Bing với công nghệ đằng sau ChatGPT – thứ đã khiến cả thế giới kinh ngạc với khả năng trò chuyện hệt như con người.
Theo các chuyên gia, khoản đầu tư từ Andreessen Horowitz đánh dấu một cột mốc quan trọng với Character.AI bởi đây là một trong những nhà đầu tư công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Silicon. Một trong những đối tác chung của Andreessen, Sarah Wang, sẽ tham gia hội đồng quản trị của Character.AI, theo WSJ.
“Character.AI đang thúc đẩy trí tuệ nhân tạo một cách nhanh chóng và đáng kể, với khả năng thay đổi cách con người kết nối với nhau”, bà Wang cho biết.
Ngoài nguồn tài trợ từ Andreessen, Character.AI còn nhận được nhiều vốn huy động từ các nhà đầu tư, bao gồm Nat Friedman – cựu giám đốc điều hành Microsoft GitHub và SV Angel – một trong những nhà đầu tư tích cực nhất của Thung lũng Silicon.
“Andreessen và những người khác đã nhìn ra giá trị. Có vẻ, thế giới vẫn còn đang đầu tư quá ít vào công nghệ này”, ông Shazeer nói, đồng thời cho biết nguồn vốn mới sẽ cho phép công ty thuê thêm kỹ sư và tiếp tục phát triển chatbot. Họ cũng vừa phát hành bản xem trước của một mô hình chatbot tiên tiến, giúp mọi người soạn thảo email hoặc nghiên cứu các bài kiểm tra.