Theo thống kê từ báo cáo tài chính năm của các ngân hàng, về quy mô tổng tài sản, năm 2022, BIDV vẫn tiếp tục là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với 2,12 triệu tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên một ngân hàng Việt Nam có quy mô tài sản vượt mức 2 triệu tỷ đồng. VietinBank và Vietcombank đứng vị trí tiếp theo bám khá sát với tổng tài sản cùng ở mức hơn 1,8 triệu tỷ đồng.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, trong top 10 ngân hàng dẫn đầu về quy mô tổng tài sản có sự bám đuổi nhau khá quyết liệt. Trong đó, MB đang dẫn đầu các ngân hàng tư nhân về tổng tài sản với mức 728 nghìn tỷ đồng; tiếp theo là Techcombank với 699 nghìn tỷ đồng; kế đến là VPBank với 631 nghìn tỷ đồng; ACB bám sát với mức 608 nghìn tỷ đồng…
Về vốn chủ sở hữu, tính đến cuối năm 2022, có 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất với 135.789 tỷ đồng, tiếp theo là Techcombank với 113.424 tỷ đồng; VietinBank với 108.304 tỷ đồng; BIDV 104.205 tỷ đồng; VPBank là 103.516 tỷ đồng…
Giới chuyên môn đánh giá, việc vốn chủ sở hữu của các ngân hàng ngày càng cải thiện sẽ giúp cho khả năng chống chịu trước rủi ro của các ngân hàng tốt hơn. Không những vậy, vốn chủ sở hữu lớn sẽ giúp ngân hàng tạo được uy tín trên thị trường, tăng khả năng huy động vốn và mở rộng tín dụng…
Về vốn điều lệ, năm 2022, sau khi thực hiện phương án tăng vốn được đại hội đồng cổ đông thông qua, VPBank vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Các ngân hàng có vốn điều lệ cao tiếp theo lần lượt là BIDV 50.585 tỷ đồng; VietinBank 48.057 tỷ đồng; Vietcombank 47.325 tỷ đồng, MB 45.339 tỷ đồng, Techcombank, SHB cùng có mức vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, thứ hạng vốn điều lệ trong năm 2023 của các ngân hàng sẽ xáo trộn liên tục khi từ đầu năm nhiều ngân hàng tlên kế hoạch tăng vốn. Đơn cử, mới đây tại đại hội đồng cổ đông bất thường Vietcombank thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018. Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng. Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024.
Không chỉ thứ hạng về sức khoẻ tài chính, về các chỉ tiêu quan trọng khác cũng đang có xáo trộn. Chẳng hạn, về bảng xếp hạng về tỷ lệ CASA cũng có sự thay đổi đáng kể. Hiện 5 ngân hàng đứng đầu vẫn là MB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB. Tuy nhiên, thứ hạng thì có sự xáo trộn. MB đã quay trở lại dẫn đầu với tỷ lệ 40,6%; Techcombank mất ngôi vương chỉ xếp thứ 2 sau sụt giảm mạnh tỷ lệ này từ mức kỷ lục 50,5% giảm về còn 37% vào cuối năm 2022.
Dù tỷ lệ CASA của MB cũng bị sụt giảm nhưng nhẹ hơn so Techcombank. Top 3, top 4 cũng có thay đổi. Vietcombank quay trở lại top 3 với tỷ lệ CASA 33,9%. Sau khi tỷ lệ CASA tụt xuống còn 31,2%, MSB đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng.
ACB tiếp tục đứng vị trí top 5 với tỷ lệ CASA cuối năm 2022 đạt 22,2% (giảm so với 25,4% năm 2021). 5 ngân hàng tiếp theo lọt vào Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao gồm có: VietinBank (20%), Sacombank (19,2%), BIDV (18,8%), TPBank (18%), VPBank (17,7%).
Theo nhận định của các chuyên gia Công ty chứng khoán Yuanta, dự báo tăng trưởng tiền gửi CASA sẽ vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp trong thời gian tới. Có thể tỷ lệ CASA của ngành sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt. Ngân hàng nào có tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp.