Sau 2 tuần triển khai thực hiện Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, nhiều máy móc tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được sửa chữa và hoạt động trở lại. Theo đó, người bệnh đã vơi bớt khó khăn, lo lắng khi phải đi khám chữa bệnh.
Sau hơn 2 tháng bị hư hỏng và không thể sửa chữa do nhiều vướng mắc các quy định đấu thầu, mua sắm, đến sáng ngày 23/3, máy CT – Scanner tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, đã hoạt động bình thường trở lại. Các bác sĩ không cần đưa bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương nặng đến khu vực khác để chụp CT mà chụp ngay cạnh khoa để tận dụng thời gian vàng, chẩn đoán và hội chẩn kịp thời cho bệnh nhân.
TS.BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trung bình mỗi ngày, khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 350 – 400 bệnh nhân, trong đó có rất nhiều trường hợp bệnh nặng phải chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT). Do trước đó chỉ có 1/6 máy CT hoạt động, nên bệnh viện buộc phải để dành dùng cho bệnh nhân cấp cứu và nội trú. Riêng bệnh nhân khám ngoại trú phải chuyển đến các cơ sở liên kết.
Với lượng bệnh nhân chờ đợi rất lớn, các nhân viên y tế chẩn đoán hình ảnh buộc phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm, 1 máy CT hoạt động cũng hết công suất. Thời điểm đó, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy “ngồi trên đống lửa” vì lo máy CT cuối cùng cũng “quá tải”, sẽ hư hỏng nốt.
“Sau thời gian ngắn áp dụng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ, tính đến nay, bệnh viện đã sửa chữa được các máy móc hiện đại, quan trọng. Cụ thể là vận hành 2/6 máy chụp CT, 3/5 máy xạ trị, 3 máy MRI hoạt động bình thường. Các máy còn lại dự kiến sang tháng 4 sẽ vận hành. Song song đó, các hoạt động mời thầu mua sắm các vật tư tiêu hao cũng đang được bệnh viện gấp rút triển khai”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin thêm.
BS.CK 2 Phạm Thanh Việt – Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, trước khi Nghị quyết 30 và Nghị định 07 ra đời, có đến 57% gói thầu bị “tắc” do thiếu 3 báo giá nhưng nay hầu hết đã gỡ vướng hoàn toàn. Bên cạnh đó, các trang thiết bị y tế bị hư hỏng, cần thay các linh kiện, bộ phận cũng đã được mua sắm, sửa chữa và hoạt động trở lại.
“Hầu hết các thiết bị đã bắt đầu hoạt động, các gói thầu khác cũng đang được mua sắm tiếp, chỉ trong thời gian ngắn nữa, các khó khăn sẽ được giải quyết ổn thỏa”, bác sĩ Phạm Thanh Việt nhấn mạnh.
Theo TS.BS Lê Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Ung bướu có 5 máy xạ trị thì có 4 máy hết thời hạn bảo hành, bảo trì. Mỗi ngày tại trung tâm có khoảng 300 bệnh nhân xạ trị, mỗi máy xạ trị chỉ có công suất từ 60-80 bệnh nhân/ngày, nên khi chỉ còn 1 máy hoạt động khiến việc xạ trị của nhiều người bệnh ung thư đã bị gián đoạn.
Thời điểm thiếu máy, bác sĩ phải thay đổi phương pháp điều trị, bệnh nhân phải xếp hàng đến sáng. Tuy nhiên, số lượng dồn ứ vẫn đông, nhiều người bệnh thậm chí phải chờ đến 2 giờ sáng mới đến lượt. Đến ngày 23/3, đã có 3/5 máy xạ trị của Trung tâm Ung bướu đã hoạt động trở lại phục vụ người bệnh. Do vậy, bệnh nhân không phải chờ xạ quá lâu, hiệu quả điều trị tăng lên.
Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Nghị quyết 30 cho phép thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) khi sử dụng máy đặt, máy mượn và thiết bị y tế được tặng nhưng chưa kịp nhập vào tài sản quốc gia, đã giúp nhiều bệnh nhân BHYT được xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Đây là một tháo gỡ mang tính cách mạng, giải phóng rất nhiều khó khăn trong công tác chẩn đoán bệnh, và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Đồng thời TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết, hiện bệnh viện đang triển khai tiếp các gói thầu để sửa chữa các máy móc, trang thiết bị hư hỏng, cần thay thế linh kiện còn lại, dự kiến trung tuần tháng 4 sẽ đưa các máy còn lại vào hoạt động. Ngoài ra, các hoạt động mời thầu mua sắm các vật tư tiêu hao cũng đang được bệnh viện gấp rút triển khai.
“Trước khi Nghị quyết 30 và Nghị định 07 ra đời, đã có khoảng 2 tuần Bệnh viện Chợ Rẫy không thể đặt stent cho người bệnh mạch vành mà chỉ dành để đặt cho bệnh nhân nhồi máy cơ tim cấp cứu. Khi Nghị định 07 ra đời đã tháo gỡ được giấy phép lưu hành. Một loạt vật tư tiêu hao không thông quan được đã thông quan, việc đặt stent cho bệnh nhân mạch vành đã trở lại bình thường và cũng như các chuyên khoa khớp, van tim cũng khai thông”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 có rất nhiều mặt tích cực nhưng vẫn còn điều khiến bệnh viện băn khoăn là việc niêm yết giá, công khai giá chưa được đầy đủ và chưa mang tính bắt buộc. Do đó, về lâu dài, nên có luật đấu thầu riêng cho ngành y tế và tách hàng hóa y tế riêng biệt với hàng hóa thông thường.
Bên cạnh đó, việc quản lý giá thiết bị y tế còn bất cập, cần phải quản lý một cách rõ ràng như việc quản lý giá thuốc để tránh được rủi ro khi các cơ sở y tế thực hiện mua sắm.
Giám đốc Nguyễn Tri Thức cũng nhắc lại đề xuất với Quốc hội về việc sửa đổi Luật đấu thầu, trong đó nên chia hàng hóa y tế là nhóm hàng hóa đặc biết chứ không xếp chung với các mặt hàng hóa khác. Nên có 1 chương đấu thầu riêng cho lĩnh vực y tế, trong đó quy định rõ ràng các tình huống khẩn cấp, để những nhà quản lý bệnh viện được mua sắm những trang thiết bị, vật tư mang tính khẩn cấp trong y khoa.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đề xuất cần có quy định rõ về các gói bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị vì hiện đang gặp khó khăn trong đấu thầu để bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy, trong đó có các máy cao cấp. Do hệ thống máy móc cao cấp gần như độc quyền về mặt sữa chữa (chỉ có kỹ sư hãng đó mới sửa được). Đồng thời, cần phải quy định rõ máy móc mua sắm đã qua bao nhiêu trung gian.
“Quy định càng rõ ràng thì công tác mua sắm càng thuận lợi, tránh được nguy cơ sai phạm trong mua sắm”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.