Tham dự Hội nghị có Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương Việt Nam; đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN – Nhật Bản (AJC) cùng gần 100 doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản và các nước ASEAN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện từ các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và Nhật Bản đã mang đến những tham luận sâu sắc về vai trò then chốt của việc xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Các tham luận nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thương hiệu không chỉ là biểu tượng của chất lượng mà còn là công cụ chiến lược để nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị phần quốc tế. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng chỉ ra rằng việc ứng dụng công nghệ số, từ thương mại điện tử đến phân tích dữ liệu lớn (big data), đang mở ra những cơ hội đột phá cho các doanh nghiệp trong việc quảng bá và xây dựng thương hiệu nông sản.
Đặc biệt, Hội nghị còn mang đến các câu chuyện thành công truyền cảm hứng từ những doanh nghiệp đã và đang khẳng định thương hiệu nông sản trên bản đồ thế giới. Những bài học thực tiễn từ việc chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu hay Hoa Kỳ được chia sẻ, giúp các doanh nghiệp khác có thêm kinh nghiệm quý báu để định hình chiến lược phát triển thương hiệu bền vững. Đây chính là nguồn động lực để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào thương hiệu khẳng định chất lượng và giá trị của nông sản Việt trên trường quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Lê Hoàng Tài cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đang trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Việc phát triển thương hiệu không chỉ giúp các sản phẩm của Việt Nam khẳng định được chất lượng và uy tín trên thị trường quốc tế mà còn đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.”
Bên cạnh đó, gần 100 tập đoàn sản xuất và xuất nhập khẩu đến từ Việt Nam, Nhật Bản, và các quốc gia ASEAN đã tham dự Phiên kết nối giao thương trực tiếp. Đây được đánh giá là nền tảng kết nối đa chiều quan trọng, giúp các doanh nghiệp không chỉ nắm bắt xu hướng và thị hiếu đa dạng của nhiều thị trường mà còn tiếp cận các giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối quốc tế. Qua đó, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội vươn xa, khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đồng thời tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hội nghị Kết nối Giao thương và Xây dựng Thương hiệu cho Doanh nghiệp Xuất khẩu Nông sản Thực phẩm hướng đến thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các xu hướng tiêu dùng mới, ứng dụng công nghệ và tiêu chuẩn cao nhằm gia tăng sức cạnh tranh.
Với những nỗ lực không ngừng trong cải tiến sản xuất, ứng dụng công nghệ và mở rộng thị trường, ngành nông sản Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp toàn cầu.
Ngành nông sản Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), như EVFTA và RCEP, giúp giảm thuế và tăng cường tiếp cận các thị trường lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức trong việc nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và xây dựng thơng hiệu bền vững để duy trì tăng trưởng trong dài hạn.
Mặc dù đạt được những thành tựu nổi bật, doanh nghiệp nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng và quảng bả thương hiệu. Hiện nay, chỉ khoảng 20% sản phẩm nông sản xuất khẩu mang thương hiệu Việt, trong khi phần lớn sản phẩm được tiêu thụ dưới thương hiệu của các đổi tác nước ngoài. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm mà còn nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm chuyển đổi từ xuất khẩu thô sang phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng niềm tin với người tiêu dùng toàn cầu.
Cục Xúc tiến Thương mại và Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN – Nhật Bản (AJC) sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình xây dựng thương hiệu và chinh phục các thị trường quốc tế, vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.
Ngành nông sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt hơn 55 tỷ USD trong năm 2024. Việt Nam hiện là nhà cung cấp nông sản lớn thứ 2 châu Á và nằm trong top 15 thế giới, xuất khẩu nông sản sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với các mặt hàng chủ lực bao gồm: gạo, cà phê, hạt điều, trái cây,…
Phương Lan