Chính phủ đã trình Quốc hội phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% nhưng trừ một số nhóm hàng hóa như: viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nội dung này được nêu tại tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ doanh nghiệp, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp cuối tuần trước. Điểm mới ở lần trình này là không giảm thuế 2% với tất cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10%, tương tự chính sách đã áp dụng năm 2022.
Người dân là đối tượng được hưởng
Động thái này được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh quý I/2023, GDP tăng 3,32%, thấp hơn nhiều mục tiêu và kịch bản đề ra (5,6%). Tăng trưởng chủ yếu ở khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản, còn công nghiệp vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng lại suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc lượng lớn công nhân do bị giảm hoặc không có đơn hàng, đời sống lao động khó khăn. Ước tính, ngân sách hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi giảm thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm nay, tức giảm 9.000 tỷ đồng so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ.
Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Thuế VAT về 8% góp phần giảm giá bán, giảm trực tiếp chi phí của người dân trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được lợi do giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng kinh doanh.
Năm ngoái, thuế VAT cũng giảm về 8% trừ một số nhóm ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời kích cầu nội địa với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20% so với trước. Thu thuế VAT nội địa không giảm, mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Cần sự linh hoạt khi áp dụng
Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá, tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 rất khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là việc ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong dự thảo nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023.
Ủng hộ việc giảm thuế VAT 2% nhưng trừ nhóm hàng viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc giảm thuế như vậy sẽ hỗ trợ trực tiếp cho những ngành nghề chịu nhiều tác động hơn, những doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang trực tiếp sản xuất kinh doanh.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng nếu nhìn từ góc độ ngành/lĩnh vực kinh tế, ông cũng tán thành quan điểm về phạm vi hỗ trợ của Nghị quyết 43. “Việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ nền kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn”, ông Việt nói. Tuy nhiên, dưới góc độ thực thi chính sách, vị chuyên gia cho rằng cần có sự linh hoạt trong áp dụng. Ông Việt lấy ví dụ một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí cùng một hoạt động lại có thể vừa rơi vào nhóm giảm thuế vừa rơi vào nhóm không được giảm thuế… việc phân biệt quá rạch ròi có thể làm tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Việt cũng đề xuất với những lĩnh vực thật sự đặc thù, có thể tách được như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, thì rất hợp lý còn những lĩnh vực như bất động sản, xây dựng thì với hoạt động chồng chéo nhiều mảng, nếu cứ nhất định phải phân tách thì rất khó cho doanh nghiệp. “Mặc dù, việc giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ mang lại lợi ích ngay cho doanh nghiệp mà còn có tác động tích cực, lâu dài, là kích cầu tiêu dùng, dẫn đến kích cầu và tạo vòng quay sản xuất mới, song điểm nhấn là hỗ trợ thì phải giảm thấp nhất chi phí thực thi chính sách, đơn giản hoá các loại quy trình thực hiện sao cho lợi ích nhận được phải lớn hơn chi phí bỏ ra khi thực thi chính sách”, ông Việt nói.
Nên kéo dài thời gian giảm thuế
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong năm nay nhằm để trợ lực cho doanh nghiệp, từ đó kích cầu tiêu dùng và trợ lực cho quá trình phục hồi của nền kinh tế. “Chính sách giảm thuế VAT cần được ban hành sớm vì đã bước sang quý II/2023. Chính sách giảm thuế liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, nên cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện phương án để trình cấp có thẩm quyền. Việc đó cần được bàn từ bây giờ vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Long cho hay.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM – HUBA) cho rằng: Dự kiến áp dụng thuế GTGT trong vòng 6 tháng (từ ngày 1/7 đến hết tháng 12/2023) là quá ngắn, không đủ độ trễ để chính sách này phát huy tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này có thể làm cho người nộp thuế chưa tính toán xong kế hoạch kinh doanh thì việc giảm thuế đã hết thời gian áp dụng. “Nên giảm thuế VAT kéo dài ít nhất 1 năm, để mùa Tết Nguyên đán 2024 người tiêu dùng còn được giảm thuế, tăng mua sắm trong mùa cao điểm nhất của năm”, ông Nghĩa kiến nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thứ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), nhìn nhận, nên chọn phương án giảm thuế suất trên diện rộng với tất cả nhóm hàng hóa có thuế suất 10% về 8% thay vì loại trừ một số nhóm hàng dẫn đến nhiều rắc rối khi áp dụng mà không có tác dụng lan tỏa. “Nên đưa thuế VAT với nhóm hàng nông sản, thực phẩm về 0% bởi đây là nhóm hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu. Hiện tại, các doanh nghiệp bán hàng xuất hóa đơn phải tính thuế cho người tiêu dùng trong khi các hộ kinh doanh, nộp thuế khoán lại không cộng thuế tạo ra sự bất bình đẳng”, ông Nghĩa đề xuất.