Nhìn mặt du khách để hét giá?
Trong vai du khách vào tham quan chợ Bến Thành (Quận 1, TP.HCM), qua quan sát, chúng tôi thấy cùng một mặt hàng nhưng nhiều tiểu thương chợ Bến Thành lại chào bán với giá khác nhau, tùy vào khách quốc tế hay khách trong nước. Mức độ niềm nở, nhiệt tình mời chào cũng có sự phân biệt rõ rệt đối với 2 đối tượng khách này.
Ở Hà Nội vào công tác tại TP.HCM, anh Nguyễn Nguyên Anh đang tham quan và tìm mua vài món đồ lưu niệm tại đây cho biết, anh cũng chứng kiến có sự chênh lệch và không đồng nhất về giá giữa việc bán cho khách nước ngoài với khách Việt: “Với những khách Việt thì các tiểu thương ra giá bình thường hoặc chỉ cao hơn một chút và tôi có thể mặc cả được. Nhưng với khách người nước ngoài thì người bán thổi giá lên hơi cao. Những du khách này mặc cả không được quá nhiều, hầu hết người bán đều muốn giữ nguyên giá. Nói chung du khách quốc tế phải mua với giá đắt đỏ hơn so với người Việt”.
Từng đi du lịch nhiều nơi tại Việt Nam, chị Cansu – du khách Thổ Nhĩ Kỳ đã có những trải nghiệm không tốt khi mua hàng tại chợ Bến Thành. Vị du khách này cho rằng, các mặt hàng tại chợ Bến Thành được bán với giá rất lộn xộn và cao hơn nhiều so với những nơi khác mà chị từng đi qua: “Họ luôn báo giá rất cao và chúng tôi phải trả giá xuống còn một nửa hoặc hơn thế nữa. Đây không phải là một ấn tượng tốt với khách du lịch. Tôi hiểu là không phải lúc nào họ cũng có thể nói giá thật của món hàng, nhưng hét giá như vậy thì thật không công bằng”.
Không những bị hét giá, các du khách còn bị một số tiểu thương cư xử thô lỗ. Chị Marianna – du khách Italy bức xúc nói: “Một món hàng chỉ khoảng 50.000 đồng nhưng họ hét giá lên gần 1 triệu đồng. Chúng tôi phải đắn đo suy nghĩ có nên mua món hàng đó hay không. Và khi tôi đổi ý không muốn mua nữa thì họ lại khá thô lỗ và đuổi chúng tôi đi. Chúng tôi thật sự muốn mua hàng và chạm thử vào các món hàng vì chưa thể quyết định mua hay không, nhưng họ thật mất lịch sự”.
Anh Sunny (người Bồ Đào Nha) thì cảm thấy không quá bất ngờ và khó chịu với việc bị tiểu thương hét giá, vì đã được hướng dẫn viên dặn dò trước đó. Anh cho rằng hét giá là tâm lý chung của hầu hết tiểu thương trong chợ, nên du khách cần phải biết trả giá và thương lượng một chút. Tuy nhiên du khách người Bồ Đào Nha này lại cảm thấy phiền khi gặp phải tình trạng chèo kéo của một số tiểu thương trong chợ. “Găng tay, đũa, tượng Phật, cà phê và trái cây, với khách du lịch thì tôi thấy chúng được bán ở đây khá rẻ. Tôi có thể thương lượng với người bán nên rẻ hơn. Nhưng có khoảng 2 – 3 người bán hàng đã cư xử không lịch sự với tôi. Khi chúng tôi không mua hàng thì họ bắt đầu la hét. Những người bán hàng khác thì cư xử tốt”.
Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Chị Trần Thị Thanh Thùy, hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách Italy tham quan, khám phá TP.HCM cho biết, tình trạng tiểu thương hét giá khi bán hàng cho du khách nước ngoài đã tồn tại từ lâu tại chợ Bến Thành. Chợ này là biểu tượng du lịch của TP.HCM – một điểm tham quan không thể thiếu trong lịch trình city tour của hầu hết các doanh nghiệp lữ hành, nhưng chị Thùy và nhiều hướng dẫn viên khác rất ngại và áy náy mỗi khi dẫn khách tham quan chợ.
Chị Thùy cũng thường nghe du khách phàn nàn về việc bị tiểu thương hét giá, chèo kéo, làm phiền: “Về tình trạng hét giá là có, tôi dám chắc là có. Ví dụ cà phê loại ngon, tôi mua bên ngoài chỉ từ 200.000 – 300.000 đồng/kg, nhưng cùng số tiền đấy nếu mua tại chợ Bến Thành chỉ được khoảng 300gr thôi. Vấn đề này tồn tại từ rất lâu rồi, không phải mới gần đây. Cho nên, lần nào dẫn khách đến đây tham quan, mua sắm, tôi cũng đều dặn dò khách phải xem giá và biết trả giá. Mỗi lần dặn dò khách như vậy tôi thấy rất ngại. Đáng lẽ với một điểm đến phổ biến như thế nên có giá tốt cho khách, nhưng đằng này mình lại dặn phải khách cách trả giá”.
Từng “thấm đòn” thất nghiệp kéo dài vì vắng bóng du khách quốc tế do dịch bệnh COVID-19, hơn ai hết, những hướng dẫn viên du lịch như chị Thùy mong muốn tình trạng chặt chém, nói thách tại chợ Bến Thành chỉ là những trường hợp cá biệt và đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” khiến du khách sợ và “một đi không trở lại”.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Thị Thu Hòa – Trưởng khoa Quản trị lữ hành du lịch và nhà hàng, khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết tình trạng nói thách giá khá phổ biến tại các điểm du lịch ở nhiều nước chứ không riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, việc hét giá quá mức, cao gấp nhiều lần là rất đáng buồn. Đáng buồn hơn, việc một tiểu thương “hét giá” 700.000 đồng cho 3 đôi tất vừa qua là hình ảnh xấu và sẽ lan truyền đi xa hơn, khi nạn nhân của vụ việc lại là một youtuber Nhật Bản nổi tiếng, thông thạo tiếng Việt. Ít nhiều, sự việc trên đang làm xấu đi hình ảnh của TP.HCM trong mắt du khách.
Dưới góc độ cơ quan quản lý về du lịch, ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay, Sở cũng thường xuyên phối hợp, đối thoại với các đơn vị lữ hành, du lịch và các kênh truyền thông để cập nhật thông tin phản ánh về tình trạng “chặt chém” ở các điểm mua sắm, chợ phục vụ du lịch để kịp thời xử lý: “Nếu có những thông tin phản ánh về tình trạng “chặt chém”, Sở Du lịch TP.HCM sẽ rà soát và Thanh tra Sở cũng sẽ kiểm tra thông tin. Từ đó sẽ làm việc với Ban Quản lý chợ Bến Thành, với UBND Quận 1 để đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi, trải nghiệm của du khách”.
Cách đây chưa lâu, Phú Quốc (Kiên Giang) có thời điểm sụt giảm khách vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân là tình trạng “chặt chém” quá nhiều khiến khách du lịch sợ hãi. Đây là bài học đắt giá để TP.HCM sớm có biện pháp nắm bắt thông tin và xử lý, ngăn ngừa tình trạng này.