Theo Nghị quyết 27, một trong những điểm chính khi cải cách tiền lương là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.
Thay vào đó, xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau:
Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp). Như vậy, lương cơ bản của công chức viên chức từ ngày 1-7-2024 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương) sẽ chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương. Tiền lương thấp nhất công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Giai đoạn sau năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh các mức lương trong các bảng lương tăng thêm để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mục tiêu của Nghị quyết 27. Đó là tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Mới đây, Thủ tướng đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, trong đó có vấn đề về cải cách tiền lương. Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết 27 từ ngày 1-7-2024. Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.
Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục tăng lương bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, từ năm 2025, tăng lương công chức viên chức bình quân 7%/năm