Dịp lễ Tình nhân 14/2, Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay ngày 20/10, một số cá nhân và cửa hàng kinh doanh hoa nảy ra ý tưởng sử dụng tiền để làm hoa phục vụ khách hàng. Những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại để tập hợp thành “bó hoa tiền” đẹp mắt.
Hình thức hoa tiền được nhiều người ưa chuộng bởi giá trị của chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền để làm hoa đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Thượng tá Huỳnh Sĩ Hiền, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong quá trình kết hoa, nếu sử dụng vật nhọn và những chất bám dính cao như keo dán sắt sẽ dẫn đến rách, biến dạng và ảnh hưởng việc lưu thông tiền tệ”.
Thời gian qua, lực lượng Công an đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở một số hộ kinh doanh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc bảo vệ tiền Việt Nam. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các hành vi gây hư hỏng, làm rách khiến cho tiền không có giá trị lưu thông hay khó khăn trong việc kiểm, đếm.
Anh Trần Hữu Lộc, người có nhiều năm làm hoa tiền tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết: “Trong quá trình làm hoa tiền, khách hàng muốn dính tốt hơn, để lâu hơn nên mình phải sử dụng keo dính tốt nhưng về sau có bất tiện là khi gỡ ra thì tiền dễ bị rách”.
Theo Quyết định số 130 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ Tiền Việt Nam, 4 hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
Thượng tá Huỳnh Sĩ Hiền cũng cho biết thêm: “Khoản 3, Điều 31, Nghị định 88/2019 sửa đổi 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng quy định mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại, phá hoại tiền Việt Nam và có thể bị tịch thu tang vật phương tiện theo quy định. Trường hợp nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.