GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt 14.500 USD
Nghị quyết 31 nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, bên cạnh những mặt tích cực thì tiềm năng, lợi thế của TP.HCM chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng…
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 2030, tăng trưởng bình quân ở TP.HCM đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Tập trung phát triển hạ tầng giao thông
Để thực hiện mục tiêu và tầm nhìn trên, Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp lớn, trong đó tập trung xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế; hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ số trong các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao…
Nghị quyết yêu cầu tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của TP.HCM bảo đảm tổng thể, đồng bộ và hiện đại; trong đó, chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hình thức đối tác công – tư (PPP). Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Xúc tiến đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, phát triển, khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Cho phép thí điểm các chính sách mang tính đột phá
Đáng chú ý, Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính – ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bộ Chính trị đồng ý cho thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP.HCM chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo điều kiện để thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính quốc tế.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; cho phép HĐND thành phố quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật, thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức; quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc thành phố Thủ Đức, vị trí việc làm, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.
Thực hiện tốt hơn nữa vai trò đầu tàu
Hồi tháng 9/2022, trong chuyến làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ và cán bộ chủ chốt của TP.HCM, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong thời gian tới, với nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội và sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế cao đã được thực tế kiểm nghiệm, thành phố cần phải quyết tâm đẩy mạnh đổi mới hơn nữa, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước; xứng đáng với vinh dự lớn, được mang tên Bác Hồ kính yêu, với cái tên Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, TP.HCM đã đi vào lịch sử nước nhà như là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới, được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế nể trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM cùng cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kịp thời có những chính sách, biện pháp khắc phục có hiệu quả. Những gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Trung ương, Chính phủ, Quốc hội xem xét, tạo điều kiện để tháo gỡ; trong đó có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV.
TP.HCM vì cả nước và cả nước vì TP.HCM
Cũng trong chuyến làm việc hồi tháng 9/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải thường xuyên quan tâm chăm lo công tác bảo đảm quốc phòng – an ninh; nắm bắt và dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, có hiệu quả mọi tình huống; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố; chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị thực sự là của dân, do dân, vì dân. Thành phố thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, xem đây là nhiệm vụ “then chốt”, bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác; bám sát những tư tưởng chỉ đạo, tinh thần mới trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, hư hỏng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hoan nghênh thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết trong các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là đoàn kết trong Ban Chấp hành, trong Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy. Chăm lo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ, công tác dân vận của hệ thống chính trị và quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Giải quyết kịp thời các khiếu kiện của dân, không để xảy ra những “điểm nóng”. Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời phải chống các biểu hiện dân túy, dân chủ hình thức, mị dân, theo đuôi quần chúng.”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với thành phố để giải quyết với tinh thần “TP.HCM vì cả nước” và “cả nước vì TP.HCM”; tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.