Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), sau khi lợi nhuận quý IV/2022 giảm tốc so với cùng kỳ, tính chung cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết tăng trưởng 34,6% so với mức thực hiện năm 2021.
ACBS dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm 2023. Cụ thể, triển vọng lợi nhuận năm 2023 sẽ không quá tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 10%. Mức tăng trưởng sẽ có sự phân hoá, các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Theo ACBS, các hoạt động thanh toán và bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) dự báo vẫn tăng trưởng ổn định trong năm 2023. Tuy nhiên, các hoạt động ngoài lãi khác sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn chung từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, các mảng dịch vụ thanh toán và thu hồi nợ ngoại bảng cũng sẽ gặp bất lợi do nền kinh tế trong nước và thế giới suy yếu.
Chi phí dự phòng dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong năm 2023 do ảnh hưởng đến từ nợ xấu phát sinh gia tăng từ rủi ro của nền kinh tế tăng lên. ACBS cho rằng, bộ đệm dự phòng mặc dù vẫn còn khá dày, nhưng đã mỏng đi sau quý IV/2022 vừa qua do các ngân hàng sử dụng quỹ dự phòng để xoá sổ nợ xấu.
Công ty chứng khoán này dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ đạt 13 – 14%, thấp hơn mức tăng trưởng 14,2% của năm 2022 do lãi suất cho vay ở mức cao, làm giảm nhu cầu đi vay của khách hàng. Hiệu quả và tính khả thi của các dự án đầu tư bị giảm xuống trong môi trường lãi suất cao. ACBS dự báo lãi suất cho vay sẽ khó hạ thêm do FED dự kiến duy trì lãi suất trên mức 5% trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho cho vay trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế gia tăng.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không thắt chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023 và tình trạng “hết room” tín dụng như trong năm 2022 sẽ ít có khả năng xảy ra.
Dù tăng trưởng tín dụng được dự báo thấp hơn năm 2022, ACBS vẫn cho rằng thu nhập từ hoạt động tín dụng là điểm sáng duy nhất của ngành ngân hàng trong năm 2023. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn khá tốt, giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng hợp lý và NIM được giữ ổn định.
“Nhìn chung, trạng thái thanh khoản năm 2023 sẽ tương đối dồi dào nhưng trên mặt bằng lãi suất ở mức cao”, báo cáo của ACBS nêu rõ.
Theo đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ cải thiện trong năm 2023 nhờ dòng vốn quốc tế quay trở lại hệ thống ngân hàng Việt Nam, mặc dù lãi suất huy động và lãi suất cho vay VND đã giảm khoảng 0,3 – 0,5% kể từ đầu năm, nhưng vẫn đang ở mức tương đối hấp dẫn so với đồng USD.
Áp lực tỷ giá cũng giảm bớt khi xu hướng đầu cơ USD không còn lớn và đồng USD được dự báo sẽ không tăng quá mạnh như trong năm 2022.
Như đã nêu ở trên, ACBS cho rằng lãi suất cho vay sẽ khó hạ thêm và sẽ chịu áp lực duy trì ở mức tương đối cao. Do đó, tình trạng khát vốn của các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục căng thẳng do kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp hiện đang bị tắc nghẹn. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.
Trong khi đó, nguồn cung tín dụng vẫn đang được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ACBS cho rằng những chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến lãi suất cho vay hạ nhiệt trong năm 2023.
“Do kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay thường có độ trễ khoảng 1 quý so với lãi suất huy động, chúng tôi kỳ vọng NIM của các ngân hàng sẽ phục hồi kể từ quý I/2023. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng NIM có thể được giữ ổn định ở mức tương đương với năm 2022, dự báo duy trì quanh mức 4% trong năm 2023”, báo cáo của ACBS nêu rõ.
Về huy động, ACBS kỳ vọng tăng trưởng huy động năm 2023 sẽ cải thiện hơn so với năm 2022 và tương đương so với tăng trưởng tín dụng nhờ lãi suất huy động vẫn đang ở mức khá hấp dẫn. Ngoài ra, các khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng TMCP quốc doanh tăng lên cũng góp phần hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.