Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường vừa công bố, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường đã phối hợp với 12 cục quản lý thị trường địa phương kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh xe đạp điện được giới thiệu trên 2 website là hamachi.vn và thegioixechaydien.com.vn.
Cụ thể, từ các website bán hàng, lực lượng chức năng đã kiểm tra các cửa hàng bán xe điện tại 12 địa phương gồm TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Kiên Giang, Phú Thọ.
Website hamachi.vn thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hamachi Việt Nam đã giới thiệu chuỗi hệ thống gồm 24 showroom có tại 14 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, website này đăng tải hàng loạt hình ảnh của các diễn viên có tên tuổi và các bình luận tích cực về việc sử dụng xe điện.
Các sản phẩm được khẳng định trên website đều “đạt tiêu chuẩn an toàn của Cục Đăng kiểm Việt Nam”, “là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn tiết kiệm kiểu dáng bền đẹp thời trang”.
Tuy nhiên, thời điểm lực lượng chức năng tiến hành xác minh, website trên chưa thực hiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng.
Trên địa bàn TP.HCM, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra 9 cơ sở kinh doanh tại các địa chỉ: 815 Lũy Bán Bích, 1022 Cách Mạng Tháng 8, 383D Cách mạng tháng 8, 577 Huỳnh Tấn Phát, 1063 tỉnh lộ 10, D7/4 Nguyễn Thị Tú, 315 Đỗ Xuân Hợp, 222 Lê Văn Khương và 27/1 Tô Ký. Lực lượng quản lý đã tạm giữ 69 xe đạp điện các nhãn hiệu Hamachi, Tonochi chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ và 10 bộ ắc quy dùng cho xe điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh Hamachi số 383D đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, đội quản lý thị trường số 10 ghi nhận cửa hàng đóng cửa không rõ lý do và không biết thời gian mở cửa trở lại.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, kiểm tra tại địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Hamachi Việt Nam, địa chỉ số 308C đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, đội quản lý thị trường số 4 đã phát hiện 13 chiếc xe đạp điện nhãn hiệu Hamachi không gắn tem hợp quy, chưa chứng minh được nguồn gốc của hàng hóa.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra và thu giữ nhiều xe chưa cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc tại các cửa hàng ở Đồng Nai, Đắk Lắk, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang… Tại Sóc Trăng và Bình Dương, các cơ sở Hamachi đều đóng cửa để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Tương tự Hamachi, các thông tin quảng bá trên website của thegioixechaydien.com.vn cũng thể hiện chuỗi phân phối lớn tại 4 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Phú Thọ. Website này đã thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.
Tại TP.HCM, sau khi kiểm tra địa chỉ kinh doanh được giới thiệu trên website nhưng đóng cửa, lực lượng chức năng đã xác minh được địa chỉ mới. Tuy nhiên, khi phát hiện cơ quan chức năng đến kiểm tra, cơ sở đã gấp rút “sập cửa” để gây khó khăn.
Tại Long An, thời điểm kiểm tra có 3/5 cơ sở đóng cửa nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Tại Phú Thọ, lực lượng quản lý thị trường không tiến hành kiểm tra do cơ sở kinh doanh được quảng cáo trên website đã chuyển đổi mục đích kinh doanh, biển hiệu phía ngoài cũng đang được thay mới sang hình thức kinh doanh khác.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, sau 2 ngày kiểm tra đồng loạt trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố, gần 300 trăm chiếc xe đạp điện, xe máy điện không thực hiện niêm yết giá, trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không có tài liệu chứng minh chất lượng hàng hóa, không có tem hợp quy dán sản phẩm đã bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, tạm giữ.