Chỉ còn hơn 1 tuần nữa vụ vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) sẽ bước vào mùa thu hoạch chính. Diện tích vải thiều sớm tập trung chủ yếu ở xã Phúc Hòa, có tổng diện tích 680ha, dự kiến sản lượng năm nay đạt khoảng 9.000 tấn. Trong đó có 3 mã xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU với diện tích 25ha.
Người dân và chính quyền xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên cũng đề nghị với các cơ quan chức năng cấp 2 mã với quy mô 20ha vào thị trường Mỹ, 4 mã vào thị trường Úc và Thái Lan với diện tích 40ha.
Thời điểm này, chính quyền địa phương huyện Tân Yên cùng người trồng vải đang tiếp tục chỉ đạo sản xuất, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh hại trên quả vải. Kiểm soát việc lấy mẫu, đảm bảo nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm quả vải từ nay đến cuối vụ trong đó chú trọng các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các vùng vải xuất khẩu.
Ông Vi Thanh Bình, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết, năm nay toàn bộ diện tích vải thiều sớm của gia đình nằm trong vùng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Do là thị trường xuất khẩu khó tính nên việc chăm sóc thu hoạch vải cũng phải tuân thủ các bước nghiêm ngặt theo đúng quy trình.
“Hiện toàn bộ vườn vải của gia đình tôi đã được dọn sạch cỏ, không có rác thải và vỏ thuốc bảo vệ thức vật. Đồng thời chúng tôi chuẩn bị phun dung dịch hỗn hợp từ tỏi, ớt, gừng và rượu, nước vôi trong làm chế phẩm phun khử trùng, trước khi bước vào vụ mùa thu hoạch” – ông Bình nói.
“Mọi năm bán theo thị trường truyền thống Trung Quốc và miền Nam giá thành không được cao, nhưng từ năm nay chúng tôi chủ yếu làm xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản thì giá thành ổn định ở mức cao, quả vải cũng chất lượng hơn các vụ trước” – ông Nguyễn Mạnh Hà, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) chia sẻ.
Vụ vải thiều sớm của huyện Tân Yên, Bắc Giang dự kiến cho thu hoạch từ 25/5 – 15/6, xác định việc kết nối tiêu thu cần được thực hiện sớm. Do đó huyện đã chủ động phân định rõ các vùng trồng ngắn ngày với kế hoạch tiêu thụ vải thiều xuất khẩu đến với từng doanh nghiệp và phân khúc thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay đã có 8 doanh nghiệp vào địa phương khảo sát và có kế hoạch tiêu thụ vải thiều sớm. Đặc biệt năm nay huyện Tân Yên đã chủ động đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều trên các sàn thương mại điện tử.
Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết, ngoài các đối tác là doanh nghiệp cũ từ trước thì hiện nay xã đã chủ động ký kết được với các doanh nghiệp mới xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Trong đó đã có doanh nghiệp cam kết bao tiêu hàng xuất khẩu với 180 tấn với giá trị hợp đồng là 30.000 nghìn/kg.
Theo kế hoạch, huyện Tân Yên sẽ tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm năm 2023 vào cuối tháng 5 tại xã Phúc Hòa. Qua đó phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ chú trọng hỗ trợ vải thiều đến các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản và thị trường truyền thống Trung Quốc.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vụ vải thiều năm 2023, Bắc Giang dự kiến tiêu thụ khoảng 81.000 tấn vải thiều ở thị trường nội địa (chiếm khoảng 45% tổng sản lượng). Các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…); các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn – Thành phố Hồ Chí Minh, Dầu Giây – Đồng Nai, Hòa Cường – Đà Nẵng…).
Ngoài ra, Bắc Giang còn tiêu thụ vải thiều ở các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị (Central Retail, Mega Market, Saigon Co.op, Hapro, Aeon, Lotte, Winmart…); các chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ… và trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon…); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube…
Đối với thị trường xuất khẩu, Bắc Giang dự kiến tiêu thụ khoảng 99.000 tấn vải thiều (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng, tăng 16,9% so với năm 2022), tập trung chủ yếu thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…
Năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha (tăng 1.400ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn; riêng huyện Tân Yên diện tích 1.340ha, sản lượng ước đạt 17.000 tấn; huyện Lục Ngạn diện tích 17.357 ha, sản lượng ước đạt trên 98.000 tấn.
Trong số này, vải chín sớm là 7.700 ha, sản lượng ước 57.000 tấn; vải chính vụ diện tích là 22.000 ha, sản lượng ước trên 120.000 tấn. Vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha, sản lượng khoảng 113.800 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha, sản lượng ước 1.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều Bắc Giang từ ngày 25/5-30/7, trong đó vải sớm từ 25/5-15/6, vải chính vụ từ 10/6-30/7.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang duy trì 178 mã số vùng trồng vải thiều đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, với diện tích 16.694,9 ha. Đồng thời, tỉnh cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã số vùng trồng, với diện tích 460ha, nâng tổng số vùng sản xuất năm 2023 là 223 vùng trồng, diện tích 17.154,9 ha; sản lượng ước đạt trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu./.