Kế hoạch tăng vốn điều lệ của Vietravel được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của công ty thông qua bằng hình thức phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tổng số lượng là 12 triệu cổ phiếu, các cổ phiếu được phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành (7/2/2023).
Trong số này, 6 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 168 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh tỷ lệ chuyển đổi 28.000 đồng/cổ phiếu và 6 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho cổ đông là các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại Vietravel.
Riêng Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đã mua vào hơn 2,9 triệu cổ phiếu VTR như đăng ký trước đó để trở thành cổ đông lớn của công ty.
Như vậy sau khi phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ, ngoài Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital thuộc Tập đoàn VinaCapital là những cổ đông lớn của Vietravel.
Trước đó, VinaCapital tham gia trở thành cổ đông của Vietravel vào cuối năm 2022 khi nhận chuyển nhượng 1,78 triệu cổ phiếu VTR từ Tập đoàn Vietravel theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh (với giá 24.000 đồng/cổ phiếu).
Năm 2023, lĩnh vực du lịch của Vietravel đặt kế hoạch phục vụ cho khoảng 730.000 lượt khách, mang về 5.770 tỷ đồng doanh thu, tương đương 85% về lượt khách, gần 90% về doanh thu so với năm 2019 và bằng 152% so với năm 2022.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Vietravel đạt mức doanh thu 1.133 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ. Tổng doanh thu cả năm 2022 của doanh nghiệp đạt hơn 3.814 tỷ đồng. Nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, Vietravel đã chấm dứt việc kinh doanh dưới giá vốn khi có lãi gộp gần 310 tỷ đồng trong năm 2022.
Kinh doanh hiệu quả, kèm việc tiết giảm được các chi phí như lãi vay, bán hàng và giảm lỗ ở công ty liên kết, nhờ đó, Vietravel ngắt được mạch 2 năm lỗ nặng vì dịch với lãi trước thuế khoảng 121,8 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch cả năm.
Đến 31/12/2022, khoản lỗ luỹ của Vietravel giảm còn khoảng 67,3 tỷ đồng. Đồng thời, Vietravel cũng thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu khi dương khoảng 128 tỷ đồng.
Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, cổ phiếu VTR bị hạn chế và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần trên sàn UPCoM. Nguyên nhân là công ty bị âm vốn chủ sở hữu hơn 104 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo soát xét bán niên 2022.
Trong diễn biến khác, mới đây, một đơn vị liên kết của Vietravel là Vietravel Airlines đã trình Chính phủ xem xét đề xuất lộ trình tăng tổng vốn đầu tư dự án hàng không từ 1.300 tỷ đồng hiện tại lên mức 7.642 tỷ đồng vào năm 2025, tương đương tăng hơn 6.900 tỷ so với hiện nay. Đến năm 2030, tổng vốn đầu tư dự án của Vietravel Airlines dự kiến đạt 8.252 tỷ đồng.
Trong đó, đến năm 2025, các chủ sở hữu của Vietravel Airlines sẽ góp thêm 700 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức mức góp vốn của chủ sở hữu lên 2.000 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ được Vietravel Airlines huy động từ các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như tận dụng thêm các giải pháp tài chính khác nhau.