Tại buổi tọa đàm các diễn giả cho rằng động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa khiến chính sách tiền tệ đảo chiều ngay. Mặt khác, kênh đầu tư chứng khoán vẫn đang hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác. Theo Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VIG, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn của giới đầu tư. Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có ngành tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, các kênh đầu tư như bất động sản, vàng hay tiết kiệm vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Cụ thể, với bất động sản, đây là ngành đang gặp nhiều khó khăn về vốn, tổ chức sản phẩm, đầu ra, bán hàng. Do đó, để ngành bất động sản hồi phục thì cần rất nhiều thời gian.
Với kênh đầu tư vàng thì từ trước đến nay, vàng vẫn là kênh đầu tư kém hấp dẫn tại Việt Nam vì thanh khoản của vàng không cao và biến động về giá cả cũng rất khó lường. Với kênh tiết kiệm, đây vẫn là kênh đầu tư an toàn, ổn định. Tuy nhiên, lãi suất huy động đang giảm cũng khiến nhà đầu tư không mấy “mặn mà”.
Chính vì những lý do nói trên mà thị trường chứng khoán đang hấp dẫn hơn, sôi động hơn với thanh khoản ngày càng được cải thiện. Trong tháng 8/2023, giá trị giao dịch thành công của thị trường đạt 22.000 tỷ đồng. Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 8 là 188.000 tài khoản. Số tài khoản mở mới trong 8 tháng đầu năm 2023 là 720.000 tài khoản. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán ngày càng rõ ràng.
“Dòng tiền luôn luôn thông minh, nó sẽ chảy từ nơi có ít cơ hội sang nơi có tỉ lệ cơ hội cao hơn. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 là 10% dân số sẽ có tài khoản chứng khoán, tương đương 10 triệu tài khoản. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, cả nước đã có gần 7,7 triệu tài khoản” – Bà Hằng nhấn mạnh.
Chia sẻ của ông Lê Anh Hoàng – Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển CODE, Giám đốc Công ty Tài chính Carbon Giant Bard về thị trường carbon đã thu hút sự quan tâm lớn đến từ các doanh nghiệp.
Theo đó, ông Lê Anh Hoàng cho biết, thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (1997). Các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới đã xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, trên thế giới giao dịch tín chỉ carbon trên 2 thị trường, đó là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Hiện tại, lớn nhất là thị trường carbon châu Âu (EU ETS) và thị trường carbon Hoa Kỳ (American Carbon Registry)…
Còn thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon… đã quy định lộ trình thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam. Trong đó, từ năm 2024 sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các doanh nghiệp lớn.
Theo kế hoạch, trong số hơn 1.700 doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê thì hơn nửa là doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, Việt Nam dự kiến sẽ thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028 nhằm kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.
Thị trường tín chỉ carbon hiện nay mà Chính phủ muốn xây dựng mang yếu tố bắt buộc. Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát phát thải khí nhà kính, nếu xả thải nhiều hơn hạn ngạch đặt ra, doanh nghiệp có thể mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường bắt buộc hoặc một phần nhỏ từ thị trường tự nguyện để bù trừ. Ngược lại, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã hoạt động được một khoảng thời gian, nhưng chủ yếu đến từ lâm nghiệp (rừng) do yếu tố lịch sử trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính chung của toàn cầu.
Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới như EU, Mỹ, hay tới đây là Trung Quốc, Nhật Bản… áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp chuyển mình, nghiên cứu, áp dụng ngay giải pháp xanh, giảm phát thải, thực hiện biện pháp để tạo ra và tích lũy tín chỉ carbon cho thời gian tới.
Ông Lê Anh Hoàng cho rằng: Các tiêu chuẩn mới áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đến rất gần. Đây vừa là thách thức, cũng là cơ hội. Vì vậy, doanh nghiệp nên tiếp cận theo xu hướng xanh, thay đổi công nghệ sản xuất; đồng thời cần nghiên cứu, tính trước tín chỉ carbon cho doanh nghiệp mình.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Hữu Huân – ĐH Kinh tế TP.HCM giải thích về việc NHNN liên tục hút ròng thông qua kênh tín phiếu. Ông Huân chỉ ra rằng hiện tại lãi suất tiền đồng đang thấp hơn lãi suất USD đồng thời, tiền đang dư thừa ở thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng). Hệ thống ngân hàng đang dư tiền như 1 chai nước đầy mà không thể chảy ra nền kinh tế. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay do không đáp ứng đủ điều kiện vay và cầu vay vốn trong nước yếu.
Giai đoạn trước đó, chính sách giảm lãi suất đã đẩy vốn vào ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng lại không đẩy vào nền kinh tế. Lãi suất liên ngân hàng giảm thấp dẫn tới tình trạng NHTM phải tìm cách để tìm cách tìm kiếm lợi nhuận đầu cơ vào USD và lướt sóng tỷ giá. Điều đó đã tạo ra áp lực tỷ giá tăng.
Từ đó, NHNN buộc phải rút tiền từ hệ thống ngân hàng. Đây là động thái hợp lý giúp giảm dư thừa thanh khoản ở hệ thống ngân hàng và giảm áp lực tỷ giá. Động thái này còn tiếp tục cho tới khi tỷ giá ổn định. Lãi suất liên ngân hàng theo đó sẽ tăng trở lại.
TS Nguyễn Hữu Huân nhận định điều này chưa hẳn tác động tới thị trường chứng khoán. Những cú sụt gần đây là do nhà đầu tư đang phản ứng theo yếu tố tâm lý nhiều hơn.
Theo ông Điệp, giá trị giao dịch thành công của thị trường chứng khoán trong tháng 8/2023 đạt 22,000 tỷ đồng, đây là mức giao dịch cao nhất trong vòng 2 năm qua. Con số này thể hiện tín hiệu tích cực của thị trường.
“Theo quan sát của tôi nhiều dấu hiệu cho thấy tiền của nhà đầu tư đang chực chờ ở cửa, họ bán đi nhưng họ không rút ra. Bởi, rút tiền ra cũng không có kênh đầu tư nào ổn hơn, kể cả bất động sản, vàng, ngoại tệ hay gửi tiết kiệm. Rõ ràng là kênh đầu tư chứng khoán đang được ưu tiên hơn”, ông Điệp cho hay.
Cũng theo ông Điệp, ở thời điểm hiện tại thì điểm chứng khoán của thị trường đang ở mức thấp, giống như cách đây 16 năm (năm 2007). Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ không bị “gãy”. Thị trường sẽ có những điểm số mới, đỉnh cao mới trong cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, sự trở lại của nhà đầu tư trong nước cũng như môi trường lãi suất thấp cùng với kết quả kinh doanh cải thiện là các yếu tố chính thu hút dòng tiền vào TTCK. Với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng hiện đã giảm xuống dưới mức 6% có thể khiến cho sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm giảm bớt. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản tiếp tục có sự gia tăng tích cực trong thời gian tới khi TTCK có khả năng thu hút thêm dòng tiền mới đi tìm kiếm cơ hội đầu tư.