Nhộn nhịp tư vấn, tiếp thị online
Lãi suất huy động giảm dần từ đầu năm 2023 đến nay, song dòng vốn huy động vẫn duy trì xu hướng tăng. Thống kê mới nhất từ NHNN, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm. Đây là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành Ngân hàng. Đặc biệt, khi lãi suất ở mức thấp thì nhu cầu tìm hiểu thông tin về các sản phẩm huy động vốn của ngân hàng rất cao. Trên các diễn đàn online nhiều người chia sẻ, trao đổi thông tin và mong muốn tư vấn, so sánh giữa các sản phẩm huy động vốn các ngân hàng. Chẳng hạn, tài khoản Hán Tự đặt câu hỏi: “Cần gửi tiết kiệm 500 triệu kỳ hạn dài, ngân hàng nào lãi suất tốt?”. Yêu cầu này lập tức thu hút hàng trăm lượt bình luận, giới thiệu dịch vụ tiền gửi của các nhân viên ngân hàng như NamABank, PVcomBank, BVBank, VIB, VietBank, NCB, Kienlongbank…
Theo đó, mức lãi suất PVcomBank đưa ra là 5,6%/năm (kỳ hạn 15 tháng), 6,4%/năm (kỳ hạn 24 tháng), nhận lãi hàng tháng và cuối kỳ. NamABank cạnh tranh hơn với mức lãi suất 6,2%/năm (kỳ hạn 12 tháng) và 6,7%/năm (kỳ hạn 18 tháng), tặng kèm quà Tết, cam kết không bán kèm bảo hiểm, trái phiếu và ưu đãi mở thẻ tín dụng. Trong khi đó, các ngân hàng như NCB, Eximbank, GPBank, BVBank lần lượt giới thiệu lãi suất 6%/năm (NCB, kỳ hạn 13 tháng), 5,5-5,7%/năm (Eximbank, kỳ hạn 18-24 tháng), 5,75%/năm (PGBank, kỳ hạn 13 tháng), 6,1% (BVBank, kỳ hạn 18-24 tháng)…
Tại một diễn đàn trên mạng xã hội, trước nhu cầu tìm ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm trực tuyến với lãi suất cao của một khách hàng đã nhận được hàng trăm lượt bình luận, giới thiệu của các nhân viên ngân hàng. Các nhân viên ngân hàng đã trả lời và tư vấn nhiệt tình cho khách hàng về các sản phẩm huy động vốn sao cho có lợi nhất đối với khách hàng. OCB giới thiệu lãi suất tiền gửi trực tuyến 6,1%/năm kèm quà tặng cho kỳ hạn 18 tháng; KienlongBank chào mức 5,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, tặng kèm quà và lịch dịp cuối năm. VIB cam kết tặng thêm 500.000 đồng đối với khách hàng gửi từ 50 triệu đồng trực tuyến qua App VIB. Trong khi đó, VietABank cam kết trả lãi 6%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, gửi online…
Ghi nhận của phóng viên từ các fanpage, website và các phòng giao dịch của các NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cho thấy, tính đến tuần đầu tháng 1/2024, mức lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng (gửi tại quầy) là khoảng 5%/năm. Mức cao nhất khoảng 5,5%-5,6%/năm được duy trì ở các ngân hàng như: VietBank, BVBank, HDBank, KienlongBank, NamABank. Các nhà băng khác như DongABank, OCB, Eximbank, SHB… kỳ hạn tiền gửi này được trả lãi từ 5,1- 5,3%/năm. Trong khi đó, nhóm NHTM có quy mô lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank từ cuối tháng 12/2023 đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 12 tháng về mức dưới 5%/năm. Một số NHTMCP như ABBank, MSB, ACB, Techcombank cũng áp dụng mức lãi suất dưới 5%/năm cho các kỳ hạn dưới một năm.
Dòng tiền gửi tiết kiệm sẽ ổn định
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù lãi suất huy động bình quân đang có xu hướng giảm ở nhiều ngân hàng, tuy nhiên trong nửa đầu năm 2024, kênh gửi tiết kiệm vẫn được người dân chọn lựa trước khi có những quyết định để đầu tư vào các kênh khác như cổ phiếu, bất động sản… khi các kênh này có tín hiệu phục hồi.
Phân tích chi tiết, TS. Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bất động sản năm 2024 là kênh có khá nhiều triển vọng phục hồi. Vì hiện tại các vướng mắc về pháp lý liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản đều đã và đang tích cực được sửa đổi, tháo gỡ. Dòng tiền của các doanh nghiệp nhà đất cũng đã “dễ thở” hơn; nhiều dự án ở các phân khúc được Chính phủ và các địa phương khuyến khích, tháo gỡ những nút thắt về vốn và pháp lý bắt đầu khởi động. “Nhiều khả năng trong những tháng đầu năm dòng tiền gửi tiết kiệm vẫn có sự tăng trưởng mạnh. Nhưng với sự khởi sắc của các kênh đầu tư khác, có thể sẽ có chuyển dịch vào nửa cuối 2024”, ông Huân nhận định và cho rằng, đối với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, thời điểm hiện nay có thể tranh thủ chia nhỏ dòng tiền để đầu tư bất động sản và cổ phiếu nhằm bắt đáy và kỳ vọng lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu “trú ẩn” an toàn người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm ở một số NHTM chờ các tín hiệu kinh tế phục hồi tốt hơn thì cầu tín dụng tăng sẽ khiến lãi suất tiết kiệm tăng.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, hiện nay với mặt bằng lãi suất huy động thấp, kênh đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) đang có cơ hội để thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, nhiều dự báo trong năm 2024 mức độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán chủ yếu ở những lĩnh vực đầu tư dài hạn như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ và tiêu dùng gắn với phát triển bền vững. Vì thế, nhiều mã cổ phiếu niêm yết sẽ ít có kỳ vọng tăng trưởng bứt phá và lợi nhuận đầu tư ngắn hạn không quá nổi bật.
“Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể dịch chuyển một phần dòng tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán, bất động sản, nhưng tỷ lệ dịch chuyển chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với dòng tiền gửi tiết kiệm”, ông Dũng phân tích. Về khả năng cạnh tranh của kênh tiết kiệm ngân hàng, các chuyên gia cũng nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã ở mức thấp, nhiều kỳ hạn xuống thấp kỷ lục. Vì thế, dư địa để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi không còn nhiều. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ số tích hợp trong hoạt động huy động vốn và cho vay. Do đó, sẽ càng có nhiều ngân hàng và fintech tham gia vào các hệ sinh thái quản lý tài chính, quản lý dòng tiền. Từ đó tối ưu hóa chi phí và chia sẻ lợi nhuận, rủi ro hợp lý hơn đối với kênh huy động và cho vay.