Còn nhớ thời điểm cách đây vài tuần, giá vàng miếng SJC tăng “điên loạn” khi liên tục lập đỉnh mới, có thời điểm lên đến 92,4 triệu đồng/lượng. Khi ấy, nhiều dự báo còn cho rằng, giá vàng có thể vượt mốc 100 triệu đồng/lượng.
Trên con “phố vàng” Trần Nhân Tông và trước các cửa hàng kinh doanh vàng lớn, người dân đổ xô xếp hàng mua vàng như “không có ngày mai”. Song giờ đây, những nhà đầu tư đu đỉnh ở mức giá 90 – 92,4 triệu đồng/lượng phải “ngậm trái đắng” khi giá vàng lao dốc đến chóng mặt.
“TỤT HUYẾT ÁP” THEO ĐÀ TỤT DỐC CỦA GIÁ VÀNG
Năm ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương thức cung ứng vàng miếng SJC ra thị trường, giá vàng miếng SJC đã giảm tới 11 triệu đồng/lượng, thu hẹp đáng kể giá trong nước và quốc tế.
Theo khảo sát sáng ngày 5/6, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm mạnh dưới mốc 79 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng miếng chỉ cao cao hơn thế giới hơn 7 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 77,48 – 78,98 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với sáng qua. Chênh lệch mua – bán được doanh nghiệp thu hẹp về 1,5 triệu đồng mỗi lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 77,68 – 78,98 triệu đồng/lượng, giảm hơn 1 triệu đồng/lượng so với sáng qua. Chênh lệch mua – bán còn 1,3 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như Bảo Minh Châu, Mi Hồng, Phú Quý cũng niêm yết giá vàng miếng SJC 78,98 triệu đồng/lượng. Đây cũng là giá bán của 4 ngân hàng quốc doanh niêm yết bán cho người dân.
So với một tháng trước, những người mua vàng hiện nay đã lỗ khoảng 13,5 triệu đồng/lượng. Vì thế, nhiều người đang tự hỏi, không biết có nên cắt lỗ hay “ôm cây đợi thỏ” chờ vàng tăng trở lại.
Là người thích đầu cơ, anh Tuấn Linh (Hà Nội) đã mua tích trữ vàng ở lúc giá đỉnh 90 triệu đồng/lượng, như vậy so với giá trên thị trường, anh Linh đang lỗ hơn 10 triệu đồng/lượng.
Anh chia sẻ: “Cứ mỗi khi nhìn thấy giá vàng giảm xuống 1 chút là tim tôi lại đập thình thịch, tôi mua vàng trong lúc giá tăng nhanh như tên bắn, tôi có niềm tin rằng giá sẽ còn tăng nữa. Ngoan cố không bán vì sợ sẽ tăng trở lại, đến bây giờ tôi mới ngẩn người ra vì đã lỗ quá sâu”.
Đang nắm giữ 40 lượng vàng miếng SJC với mức giá 89 triệu đồng/lượng, ông Hữu Sơn (Hà Nội) chóng mặt khi nhìn khoản lỗ đã lên đến 400 triệu đồng. Bán thì lỗ chắc nhưng giữ cũng có thể lỗ nặng hơn, ông Sơn “lực bất tòng tâm” không biết nên cắt lỗ sớm hay chờ thời.
Tương tự 2 trường hợp nêu trên, rất nhiều người nắm giữ vàng miếng SJC cũng “tụt huyết áp” với đà lao dốc của vàng. Trên các hội nhóm, diễn đàn mua bán vàng, những nhà đầu tư này chia sẻ họ đang trong tình trạng lỗ nặng khi giá vàng liên tiếp “mất phanh”.
GIÁ VÀNG SẼ CÒN GIẢM MẠNH?
Trao đổi với báo chí chiều nay 4/6, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), cho biết hôm nay là ngày thứ 2 các ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân theo phương án mới của Ngân hàng Nhà nước.
Mục tiêu của phương án này nhằm thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp. Phương án này bước đầu đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của dư luận.
“Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng đã giảm về dưới 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra nhưng đó mới là ở ngày đầu tiên. Hiện nay, vấn đề quan trọng hơn giá vàng chính là khối lượng bán ra.
Theo thông tin 4.000 lượng vàng được cung ra thị trường chiều 3/6 có lẽ chưa đủ so với nhu cầu hiện tại. Nếu lượng bán ra dồi dào đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường thì mới mong giá vàng có thể giảm và duy trì ở mức thấp.
Giá vàng đang do Ngân hàng Nhà nước ấn định và các bên bán ra dựa trên mức giá đó, chứ không phải do cung cầu thị trường quyết định. Vì vậy cần phải có nguồn cung rất lớn đủ để đáp ứng được nhu cầu, còn nếu không đủ để đáp ứng được nhu cầu cầu thị trường thì với giá thấp như thế, thì có lẽ thị trường sẽ đi theo hướng khác.
Vị chuyên gia này cho hay đến hiện tại, chưa có yếu tố cụ thể thị trường vàng sẽ biến động theo hướng nào. Có một điều cần lưu ý, khi giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước cũng tăng.
GDP của Mỹ quý đầu thấp hơn dự báo, đây cũng là cơ sở để giảm lãi suất. Dưới khía cạnh lạm phát, Fed vẫn muốn duy trì lãi suất cao, nhưng nền kinh tế Mỹ đã sụt giảm, vì vậy Fed cũng muốn hạ lãi suất xuống. Chưa biết đến cuối cùng Fed sẽ đưa ra lộ trình giảm lãi suất thế nào, nhưng khả năng lớn Fed sẽ giảm lãi suất vào quý cuối năm 2024.
Nếu lãi suất Fed giảm, giá trị đồng USD cũng giảm, từ đó đẩy giá vàng lên. Do đó, giá vàng thế giới đang trong xu hướng tăng.
Thị trường vàng là bình thông nhau trên tất cả thế giới, việc muốn giảm giá vàng tiệm cận với giá thế giới là điều tốt, nhưng xu hướng lại đi ngược lại thế giới. Nếu có thể tiệm cận 3-5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới là phù hợp, nhưng hiện nay đang còn khoảng cách 9-10 triệu đồng/lượng. Do đó, đây là bài toán rất khó cho Ngân hàng Nhà nước liệu có thể kiên trì với xu hướng giảm giá vàng hay không, trong khi thế giới xu hướng tăng.
“Tôi nghĩ vẫn còn dư địa giảm, với điều kiện lượng vàng bán ra phải thật dồi dào để đáp ứng nhu cầu thị trường, còn không cũng chỉ là động thái mang tính nhất thời, tạo phản ứng nhất thời trên thị trường giảm giá vàng nhưng không duy trì được”, ông Hiếu dự báo.
GIẢI PHÁP BÁN VÀNG ĐỂ BÌNH ỔN “KHÔNG CÓ ỔN”
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, PGS. TS. Võ Đình Trí cho biết để đảm bảo mục tiêu bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã bán vàng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Tuy nhiên, theo Luật Giá mới thì vàng không thuộc 9 mặt hàng trong danh mục bình ổn giá. Cho nên dùng từ bình ổn lúc này nên hiểu theo nghĩa là ổn định giá, bớt cơn nóng của giá vàng.
“Chỉ vài ngày sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, dường như ai lướt vàng cũng có thể cảm nhận được “cơn gió lạnh” khi giá vàng giảm liên tục. Tuy nhiên bán không đáp ứng đủ nhu cầu, những người lướt sóng có thể chùn tay lại nhưng những người mua về lâu dài thì nhu cầu rất lớn. Chính vì vậy nhiều ngân hàng ngày qua không đủ bán, phải ấn định là mỗi người tối đa chỉ mua được 3 – 4 lượng vàng, rồi không đủ phải đăng ký danh sách chờ, điều này sẽ phát sinh ra chuyện ai được ưu tiên và ai không được”.
Trên thực tế, trong thông báo sáng ngày 5/6, Agribank cho biết đã bán hết số vàng mua từ Ngân hàng Nhà nước; và sẽ tiếp tục bán vàng cho khách hàng vào 13h30 ngày 5/6, sau khi hoàn tất các thủ tục mua, giao nhận vàng miếng SJC từ Ngân hàng Nhà nước và vận chuyển về kho của ngân hàng.
Theo đó, ông Võ Đình Trí cho rằng về dài hạn, giải pháp bán vàng để bình ổn không có ổn, không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Ông Trí ví biện pháp này giống như thuốc hạ sốt, chỉ có thể hạ được một chút thôi chứ không thể trị được nguyên nhân gốc rễ.
Ông Trí cũng cho hay nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là do chênh lệch giá vàng SJC so với giá vàng thế giới. Do vậy để tiệm cận thì chỉ có thể xóa độc quyền nhập khẩu vàng, rồi cho các doanh nghiệp khác làm vàng miếng nhưng phải kiểm soát để chất lượng vàng của các thương hiệu đồng nhất với nhau. Nếu chúng ta làm nghiêm thì vàng nào cũng giống vàng nào.
“Một lưu ý khác, nhu cầu vàng tại Việt Nam cao do chưa bị đánh thuế như các nước khác. Do đó, nếu đánh thuế sẽ điều tiết được nhu cầu. Tiếp đến là kiểm soát nguồn tiền mua vàng, ở Việt nam rất nhiều nguồn tiền không “sạch”, người ta sẽ mua vàng. Như vậy nếu quy định nguồn tiền đến từ đâu, vàng bán ra khi mua phải có chứng từ giống như kim cương, đến khi bán không có giấy tờ thì theo quy tắc, nơi thu mua người ta sẽ chiết khấu 20-30% như vậy sẽ đánh vào việc điều tiết nhu cầu ngay”, PGS. TS. Võ Đình Trí đề xuất.
Giá vàng trong nước và giá vàng thế giới liên thông với nhau, trong ngắn hạn, vàng thế giới biến động nhưng về dài hạn sẽ tiếp tục tăng, có thể lên đến 2.500 USD/ounce Ông Trí dẫn báo cáo phân tích của ngân hàng UBS Thụy Sĩ đã công bố, đến cuối năm nay giá vàng thế giới sẽ đạt khoảng 2.600 USD/ounce. Như vậy, giá vàng trong nước sẽ sớm quay lại đà tăng.