Theo Bloomberg, khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng những tuần qua bắt đầu từ Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ và đã lan sang Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ. Thị trường sợ hãi, còn giới quan sát lo ngại rắc rối sẽ không dừng lại.
Đó không phải tin vui với ngành công nghiệp xa xỉ châu Âu, dẫn đầu là gã khổng lồ LVMH.
Người tiêu dùng châu Âu và Mỹ đang chịu áp lực vì triển vọng ảm đạm của ngành ngân hàng, và chưa có gì đảm bảo khách hàng Trung Quốc sẽ “mua sắm trả thù” sau 3 năm đối phó với đại dịch.
Các cú sốc ngành ngân hàng
Ngành công nghiệp xa xỉ thường hoạt động tốt khi các khách hàng cảm thấy lạc quan về tài chính và tương lai. Nhưng các cú sốc kinh tế sẽ giáng đòn lớn vào lĩnh vực này.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhu cầu đối với túi Louis Vuitton và giày Prada đã giảm mạnh. Tình trạng tương tự cũng xảy ra hồi năm 2015, khi Bắc Kinh kìm hãm xu hướng tiêu dùng phô trương tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Các công ty như Burberry Group và Kering – chủ sở hữu Gucci – đã nhận thấy sự giảm tốc trong nhu cầu của những khách hàng trẻ tuổi, nhất là tại Mỹ.
Nguy cơ mất việc làm trong lĩnh vực tài chính và làn sóng sa thải của ngành công nghệ khiến tương lai của tầng lớp trung lưu toàn cầu trở nên bấp bênh. Đó là tin xấu đối với các hãng bán lẻ nhắm vào nhóm khách hàng này, chẳng hạn Hugo Boss.
Điều nguy hiểm là tâm lý thận trọng lan sang những người siêu giàu. Đến nay, nhóm này vẫn sống trong một thế giới khác. Họ gần như không cần bận tâm tới lạm phát hay nguy cơ suy thoái kinh tế.
Nhưng xu hướng tiêu dùng của họ có mối tương quan chặt chẽ với đà tăng, giảm của các tài sản như bất động sản và cổ phiếu. Khi thị trường suy yếu, họ không muốn vung tiền ngay cả khi có đủ khả năng chi trả.
Khó tăng giá bán
Đến nay, những công ty xa xỉ gần như miễn nhiễm với sự giảm tốc của các hoạt động kinh tế tại Mỹ. Nhưng không rõ trong những tuần tới, bức tranh kinh doanh của họ có xấu đi hay không.
Bloomberg nhận định phần lớn sẽ phụ thuộc vào tình hình của ngành ngân hàng Mỹ.
LVMH sẽ báo cáo doanh số bán hàng trong tháng tới. Giá đồng hồ Rolex trên thị trường thứ cấp cũng được coi là một chỉ báo nhu cầu.
Giá của đồng hồ Rolex cũ đã ổn định trong vài tháng qua, nhưng tâm lý lo ngại có thể kích hoạt một đợt bán tháo mới, nhất là đối với những ai vay mua đồng hồ xa xỉ để đầu cơ.
Giới quan sát cũng dồn sự chú ý vào mức giá của các mặt hàng xa xỉ. Giá của đồng hồ Rolex hay túi xách Chanel đều đi lên trong một năm qua. Nếu khách hàng không còn hứng thú với chúng, các nhãn hàng sẽ không thể tiếp tục tăng giá bán.
Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng với từng nhóm hàng xa xỉ sẽ không giống nhau.
Theo dữ liệu của Bloomberg, các khách hàng châu Á chiếm tới 60% doanh số bán hàng của Hermes International trong năm ngoái. Nếu danh sách chờ mua những chiếc túi Kelly và Birkin của hãng vẫn dài, doanh số sẽ được duy trì ổn định dù nhu cầu chung đi xuống.
Trong khi đó, LVMH bị ảnh hưởng bởi thị trường Mỹ, 27% doanh số bán hàng của tập đoàn đến từ các khách hàng Mỹ. Tuy nhiên, gã khồng lồ xa xỉ sở hữu 2 trong số những tên tuổi lớn nhất của ngành, Louis Vuitton và Dior.
Hơn nữa, tập đoàn cũng đa dạng hóa thông qua các hãng bán lẻ mỹ phẩm Sephora và kinh doanh đồ uống.
Các công ty sử dụng chiến lược kinh doanh xoay vòng như Burberry và Kering sẽ dễ tổn thương hơn.
Trên thực tế, ngay cả trước những rắc rối trong ngành ngân hàng, các nhà đầu tư đã dự đoán nhu cầu ở cả châu Âu và Mỹ sẽ giảm trong năm nay. Nhưng cuộc khủng hoảng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Các nhãn hàng sẽ phải trông chờ vào sự trở lại của thị trường Trung Quốc. Đến nay, đà phục hồi tại nước này đang rất hứa hẹn. Và ngành công nghiệp xa xỉ vẫn mong đợi giới siêu giàu Trung Quốc lên máy bay, đến Paris, Milan để mua sắm.