Thị trường gạo dự kiến tiếp tục thắt chặt vào đầu năm 2024 do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và dự kiến nhu cầu tăng trong dịp lễ hội, tạo động lực cho giá gạo tăng hơn nữa.
Gạo rất quan trọng với chế độ ăn của hàng tỷ người và việc giá gạo tăng cao sẽ làm căng thẳng ngân sách các hộ gia đình. Giá cạo trắng 5% tấm Thái Lan – tiêu chuẩn châu Á – đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm vào cuối năm ngoái, ở mức 659 USD/tấn.
“Thị trường gạo sẽ vẫn thắt chặt trong tương lai gần, phần lớn do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ”, Pêtr Clubb – nhà phân tích hàng hóa tại Hội đồng ngũ cốc quốc tế cho hay. “Sắp có lễ Eid vào tháng 4 và nhu cầu từ các thị trường có dân số Hồi giáo đông ở châu Á và châu Phi thường tăng vào khoảng thời gian trước lễ”.
Ấn Độ – nhà xuất khẩu gạo số một thế giới – dự kiến duy trì các lệnh hạn chế xuất khẩu cho đến ít nhất là cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 hoặc 5, khi Thủ tướng Narendra Mori muốn kìm chế giá gạo nội địa trước cuộc bỏ phiếu. El Nino và tác động của nó tại các khu vực canh tác chính đã làm tăng thêm mối lo về nguồn cung.
Nhiều quốc gia châu Á và châu Phi đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung từ khi Ấn Độ tăng cường các biện pháp hạn chế xuất khẩu hồi tháng 7. Lạm phát gạo ở Philippines tăng cao, trong khi Indonesia yêu cầu quân đội hỗ trợ nông dân tăng sản lượng. Quốc gia này là nước nhập khẩu lớn, đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán giá gạo khó có thể quay trở lại mức kỷ lục năm 2008 là hơn 1.000 USD/tấn. Nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có thể bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới trong tháng này, giảm bớt một số lo ngại về nguồn cung. Vụ thu hoạch đông xuân thường mang lại sản lượng lớn nhất trong năm.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cơ quan ấn định giá gạo 5% tấm Thái Lan, cũng dự kiến xuất khẩu gạo của quốc gia này sẽ giảm trong năm nay do nhu cầu giảm. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, trong khi Việt Nam là nước lớn thứ 3.