Theo đó, công ty con SuperFoods của Jollibee Foods Corporation(JFC), công ty sở hữu Highlands Coffee, đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản của chuỗi nhà hàng Phở 24 cho East-West Restaurant Concepts. Thỏa thuận nhượng quyền hoạt động chuỗi cửa hàng Phở 24 tại Philippines cũng bị chấm dứt. Tuy nhiên, giá trị thương vụ chưa được tiết lộ.
Năm ngoái, nhà điều hành thức ăn nhanh của Philippines này cũng được cho là đang xem xét bán 10 đến 15% cổ phần của mình trong chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam Highlands Coffee.
Công ty Philippines cho biết họ muốn tập trung vào việc xây dựng và phát triển các doanh nghiệp mới của mình – Tim Ho Wan, Yoshinoya và Milksha. Tập đoàn đặt mục tiêu mở 100 nhà hàng Tim Ho Wan trong vài năm tới ở Trung Quốc và 50 địa điểm Yoshinoya ở Philippines.
Chiến lược thoái lui của Jollibee
Phở 24 thành lập năm 2003 bởi doanh nhân Lý Quí Trung với vốn khởi điểm 1 tỷ đồng. Cuối năm 2011, ông Lý Quý Trung nhượng lại thương hiệu Phở 24 cho Công ty Việt Thái Quốc tế (VTI), đơn vị sở hữu chuỗi Highlands Coffee. Sau đó VTI tiếp tục bán 50% cổ phần Phở 24 cho Tập đoàn Jollibee của Philippines với giá 25 triệu USD.
Phở 24 hiện đang vận hành 14 nhà hàng phở, trong đó có 13 nhà hàng ở TP.HCM và 1 nhà hàng ở sân bay Đà Nẵng. Ở các thị trường quốc tế, Phở 24 trở lại thị trường Indonesia và Philippines. Với 6 cửa hàng mở mới, trung bình mỗi năm chuỗi cửa hàng bán ra 5 triệu tô phở.
Sau thương vụ “bán mình”, những tưởng đó sẽ là cú hích thúc đẩy Phở 24 tiếp tục phát triển. Dưới sự quản lý của hai ông lớn ngành F&B, Phở 24 liên tục mở các cửa hàng mới. Mô hình hoạt động cũng được cải thiện để đem đến chất lượng phục vụ tốt hơn. Menu cũng được mở rộng những món mới như xôi, bánh mì, cơm tấm,…
Tuy nhiên, tình hình tài chính kinh doanh của Phở 24 lại không được khả quan. Trước năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu chỉ quanh quẩn con số 70 – 80 tỷ đồng, nhưng thu không đủ chi, dẫn đến lỗ 20 – 30 tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, năm 2016, công ty báo lỗ 17 tỷ đồng. Trong ba năm tiếp theo, số lỗ ngày càng tăng thêm, lần lượt là 20 tỷ đồng năm 2017, 30 tỷ đồng năm 2018 và tới năm 2019 là 33 tỷ đồng. Lỗ liên tục nhiều năm liền khiến công ty âm vốn chủ sở hữu lên đến khoảng 178 tỷ đồng vào năm 2019.
Có lẽ sau nhiều năm không thể tìm kiếm được cơ hội tăng trưởng từ Phở 24, đã khiến Tập đoàn Jollibee quyết định thoái lui khỏi chuỗi nhà hàng Việt một cách chóng vánh.
Trên thực tế, có một chiến lược được gọi là chiến lược “thoái lui”, áp dụng đối với những doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu cô đặc, được nắm giữ bởi các thành viên trong tập đoàn. Một trong các hình thức thực hiện chiến lược này là bán những mảng kinh doanh không cốt lõi và dùng nguồn thu này để chi trả cổ tức cao hoặc mua lại cổ phiếu từ chủ sở hữu. Động thái này nhằm thu hồi vốn đầu tư ban đầu của chủ sở hữu và những chiến lược tiếp theo của công ty sẽ phụ thuộc lớn vào tỷ lệ sở hữu còn lại của người chủ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Jollibee của Philippines này còn đang có những toan tính khác. Năm ngoái, tập đoàn này đã rót thêm vốn vào Titan Dining, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng dim sum Tim Ho Wan, để tài trợ cho việc mở rộng chuỗi này tại Trung Quốc.
Jollibee đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng của chuỗi dim sum ở Trung Quốc Đại lục từ 11 lên 100 trong 4 năm tới. Tập đoàn dịch vụ thực phẩm này đã đầu tư 31 triệu đô la Mỹ vào công ty nhận quyền chính của Tim Ho Wan tại Titan Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2018 với tỷ lệ lãi 45%. Vào thời điểm đó, JFC cho biết họ sẽ có cơ hội giành được quyền sở hữu đáng kể đối với nhượng quyền thương mại chính của Tim Ho Wan trong khu vực.
“Tập đoàn Thực phẩm Jollibee sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận bền vững mạnh mẽ của các doanh nghiệp mới này, cùng với các doanh nghiệp khác của công ty trong những năm tới”, công ty cho biết.
Rõ ràng, việc thoái lui khỏi Phở 24 có thể là một bước đi đã được tính toán kỹ của Jollibee, tập đoàn đang điều hành 6481 cửa hàng trên toàn thế giới, một nửa trong số đó nằm ngoài thị trường nội địa.