Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh ở TP.HCM, bây giờ mới thực hiện lấy ý kiến về sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân là rất chậm trễ, vì luật này có nhiều bất cập, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 20% thì mới điều chỉnh luật. Chính vì vậy, trong quy định mới của luật, nên cho phép Chính phủ được phép điều chỉnh mức chịu thuế thu nhập cá nhân khi CPI tăng từ 5% trở lên. Từ đó giúp luật theo sát được với biến động thực tế cuộc sống hơn, vì nếu chờ Quốc hội sửa luật sẽ rất lâu.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân có đến 7 mức tính, gây khó khăn cho việc tính thuế, tạo áp lực cho người nộp thuế. Trong khi, khoảng cách giữa các bậc chưa hợp lý, ngắn và hẹp. Luật sư Hưng kiến nghị, nên rút ngắn lại còn 5 bậc.
Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng: “Hàng năm, Nhà nước nên rà soát lại để tính mức trượt giá, việc tính mức trượt giá bằng theo con số của ngành thống kê so bà nội trợ chi tiêu thực tế thì chưa phù hợp. Việc này, được điều chỉnh càng sớm càng tốt, tạo cho người dân có khoản thu khá hơn, tạo cho thị trường sôi động, sức mua lớn hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt hơn”.
Mức tính thuế phải từ 15 triệu đồng/tháng trở lên
Theo thạc sĩ, luật sư Đỗ Trọng Hiền, Giám đốc Công ty TNHH CTB Đỗ Gia, Luật Thuế Thu nhập cá nhân quy định về thuế thu nhập đối với hộ kinh doanh cá thể chưa phù hợp. Với mức tính doanh thu 100 triệu đồng/năm, tương đương 8,3 triệu đồng/tháng là phải nộp thuế và các loại phí. Trong khi, mức tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động là từ 11 triệu đồng/tháng. Đồng thời, việc kê khai thuế cho hộ kinh doanh cá nhân có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng, còn gây hiểu nhầm cho người nộp thuế.
Bên cạnh đó, nhiều người nộp thuế cho rằng, quy định mức tính thuế thu nhập cá nhân với người lao động hưởng lương là từ 11 triệu đồng/tháng đã rất lạc hậu, nhất là so với mức sống ở đô thị. Mức tính thuế này phải từ 15 triệu đồng/tháng trở lên. Còn mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng chưa hợp lý so với thực tế chi tiêu cơ bản cho người phụ thuộc, nhất là chi phí học hành cho con và cha, mẹ già ốm, đau bệnh tật…
Mức giảm trừ này, mỗi tháng phải từ 6 triệu đồng/tháng thì mới phù hợp. Đáng nói là, luật quy định các khoản được giảm trừ hiện nay, chỉ được giảm trừ thuế cho người phụ thuộc, chi phí đóng bảo hiểm, từ thiện, khuyến học. Trong khi, nhiều khoản chi thực tế, hợp lý của người nộp thuế chưa được giảm trừ.
Luật sư Đỗ Trọng Hiền cho rằng: “Còn nhiều khoản phát sinh cần thiết của người nộp thuế, Bộ Tài chính không liệt kê để được giảm trừ thuế. Chi phí khám, chữa bệnh, tiền vay ngân hàng để trang trải cuộc sống, xây, sửa nhà…những chi phí đó không được tính vào để giảm trừ khi tính thuế. Theo tôi, phải điều chỉnh cho phù hợp, những chi phí nào mà hợp lý, hợp lệ, đầy đủ chứng từ Theo Luật Thuế thì chúng ta được đưa vào giảm trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân”.
Giảm thuế thu nhập để thu hút chuyên gia
Theo nhiều chuyên gia đang làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở TP.HCM, thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng phải đóng thuế thu nhập cá nhân 35% là rất cao, chưa phù hợp với Việt Nam. Nó sẽ không khuyến kích người lao động trình độ, chuyên môn cao trong nước phấn đấu làm việc ở những vị trí quản lý cấp cao. Áp lực công việc phải đi đôi với nguồn thu nhập xứng đáng, song sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân thì thực tế không chênh lệch bao nhiêu so với lao động ở cấp trung.
Ông Nguyễn Văn Được- Trưởng Ban Chính sách thuộc Hội Tư vấn và đại lý thuế TP.HCM đề xuất: “Mức thuế 35% này sẽ làm ảnh hưởng đến cạnh tranh trong khu vực. Vì khi thuế thu nhập càng cao sẽ thì người lao động sẽ có xu hướng đi làm việc hoặc khai thuế ở những nơi có mức thuế thấp hơn, nên chăng chúng ta giảm từ 35% xuống còn 30%. Khi chúng ta điều chỉnh xuống thì có thể thu hút được các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam làm việc, đồng thời có thể huy động chuyên gia làm việc ở nhiều quốc gia đưa thu nhập ở các quốc gia khác về Việt Nam khai thuế”./.