Xăng dầu
Trong năm 2022, giá xăng dầu biến động rất mạnh, giá tăng mạnh kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, giá chạm đỉnh trong phiên giao dịch ngày 07/3/2022, dầu Brent chạm mức 139,13 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 143,19 USD/thùng. Trong 3 tháng đầu năm giá xăng dầu đã tăng khoảng 60%. Sau đó giá giảm dần trở lại đến cuối năm và gần như xóa sạch mọi sự tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay. Tính chung từ đầu năm đến cuối tháng 12/2022 giá dầu Brent, dầu thô Mỹ (WTI) và xăng RON 92 tăng khoảng từ 4-6%.
Về triển vọng năm 2023, mặc dù Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng chống COVID-19, nhưng sự gia tăng số ca nhiễm đã gây ra tác động tiêu cực đối với thị trường dầu mỏ do sự không chắc chắn về khả năng phục hồi kinh tế của nước này, từ đó khiến triển vọng nhu cầu dầu mỏ thế giới trở nên thiếu chắc chắn.
Tổ chức Năng lượng Quốc tế (EIA) dự báo lượng dầu trong các kho dự trữ của thế giới trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 200.000 thùng/ngày, trước khi tăng gần 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023. Giá dầu Brent dự kiến trung bình ở mức 92 USD/thùng trong năm 2023.
Sắt thép
Giá thép quốc tế biến động mạnh trong năm 2022. Trong nửa đầu năm giá tăng cao, do bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng mở rộng lên khắp toàn cầu khiến lạm phát tăng tốc ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước trên thế giới. Đồng thời, giá dầu và các nguyên vật liệu, giá vận chuyển tăng cao đã đẩy giá thép trên thị trường thế giới tăng lên chóng mặt, gây ảnh hưởng nặng nề tới các dự án sản xuất và xây dựng trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong nửa cuối 2022, giá thép quay đầu giảm do tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm thép giảm. Trong đó giá phôi thép và nguyên liệu đầu vào trên các sàn giao dịch quốc tế xu hướng giảm đi xuống. Đồng thời, giá khí đốt tăng đang có tác động trực tiếp tới hoạt động của các nhà máy thép ở châu Âu cũng như sản lượng thép. Một loại nhà máy ở khu vực này đã phải phải đưa ra quyết định là ngừng sản xuất thép, do không thể trang trải chi phí năng lượng để vận hành nhà máy. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn bởi chính sách zero Covid, lĩnh vực xây dựng chậm lại và các biện pháp về kiểm dịch đang tác động mạnh lên các nhà máy khiến cho giá thép đi xuống.
Dự báo nhu cầu thép được dự báo sẽ tăng 2,2% so với năm 2022 lên 1,88 tỷ tấn. Các biện pháp kích thích ở Trung Quốc được đưa ra vào năm 2022 có khả năng hỗ trợ nhu cầu thép tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Tuy nhiên, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) dự báo rằng mùa đông đến ở Trung Quốc và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng có thể sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu thép của nước này trong thời gian tới.
Phân bón
Giá phân bón thế giới giảm trong những tháng cuối năm 2022, song nhìn chung giá phần lớn các loại vẫn tăng so với một năm trước đó, ngoại trừ phân bón 10-34-0 giảm 1%. Cụ thể, Urea tăng 12%, UAN28 tăng 1%, UAN32 và và anhydrous tăng 3%, MAP tăng 4%, kali tăng 5%, DAP tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng thị trường phân bón thế giới năm 2023 sẽ ổn định hơn so với năm 2022. Giá phân bón có nhiều khả năng tiếp tục xu hướng giảm giá do Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cung cấp một lượng cung lớn ra thị trường. Hơn nữa, Nga (nước xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu) sẽ mở kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023.
Ngô, lúa mì, đậu tương
Trong năm 2022, giá ngô đã tăng gần 14,4%, lúa mì cuối năm gần như đi ngang so với đầu năm mặc dù trong năm biến động rất mạnh, trong khi đó đậu tương tăng 13,8%.
Dự báo vào đầu trong năm 2023, giá ngô trên thị trường thế giới sẽ giữ ở mức cao được sự hỗ trợ bởi dự báo sản lượng giảm tại các nước sản xuất lớn. Nguồn cung ngô cho nửa đầu năm 2023 có thể bị khan hiếm, khiến người mua thức ăn chăn nuôi phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Xuất khẩu ngô vụ cũ của Brazil dự kiến sẽ giảm khi thị trường tiếp cận quý 1/2023, nhường chỗ cho xuất khẩu đậu tương. Mực nước trên sông Mississippi của Mỹ đang ở mức thấp lịch sử, hỗ trợ thị trường ngô, trong khi việc thiếu mưa ở Achentina đã khiến kế hoạch trồng ngô bị trì hoãn.
Dự báo giá lúa mì sẽ tương đối ổn định trong thời gian tới nhờ hành lang ngũ cốc đã mở lại nên lúa mì Ukraine đã được chuyển đến các nước EU thiếu thức ăn chăn nuôi như Tây Ban Nha và Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Indonesia, Bắc Phi và nhiều thị trường nhạy cảm về giá khác. Mặc dù nguồn cung từ Achentina và Ukraine không chắc chắn nhưng Úc đang thu hoạch một vụ mùa kỷ lục, dự báo tăng 1% so với kỷ lục năm ngoái có thể cung cấp cho nhu cầu ngắn hạn của châu Á. Ấn Độ có thể đạt sản lượng lúa mì bội thu trong niên vụ 2022/2023 do tăng diện tích trồng trọt. Nhưng chính phủ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu với giá trong nước tăng mạnh và nguồn cung vẫn bị thắt chặt.