Dự án có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 248 tỷ đồng, chi phí xây lắp 2.317 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành trước 30/4/2025.
Về quy mô, dự án có phần đường từ 10 – 12 làn xe, phần hầm 4 làn xe, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe.
Phần nút giao thông khác mức thiết kế 3 tầng, bao gồm: khu vực nút giao đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ.
Tầng (-1), xây dựng hầm chui 2 chiều kết nối đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ.
Tầng (+1), xây dựng 2 cầu vượt gồm: 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành Dầu Giây; 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc TP.HCM- Long Thành Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ.
Tầng (0), xây dựng đảo trung tâm và Tháp biểu tượng cùng các hạng mục như hồ nước, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật phù hợp theo phương án thiết kế kiến trúc được thông qua.
Xây dựng 3 đơn nguyên cầu Bà Dạt phạm vi giữa 2 cầu hiện hữu và 2 đơn nguyên cầu Giồng Ông Tố trong phạm vi giữa 2 cầu hiện hữu; xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác (tiểu đảo, cầu bộ hành, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống báo hiệu giao thông,…) đồng bộ với quy mô nút giao.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, việc khởi công dự án là bước đầu giúp khu vực này trở thành một trong tổ hợp đầu mối giao thông lớn nhất TP.HCM, tương lai còn nhiều loại hình giao thông kết nối như đường sắt cao tốc TP.HCM – Nha Trang, Thủ Thiêm – Long Thành, metro số 2…
“Đây cũng là công trình được triển khai linh hoạt theo hình thức hợp vốn giữa Trung ương và địa phương”, lãnh đạo thành phố nói và yêu cầu chủ đầu tư cùng các nhà thầu quá trình thi công phải ngoài bám sát tiến độ, cần hạn chế ảnh hưởng đi lại, đời sống của người dân.
Nút giao thông An Phú có lượng xe cộ rất lớn, là nơi giao nhau của ba hướng giao thông quan trọng như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây kết nối về miền Đông, đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào cảng biển Cát Lái, Sài Gòn. Tuy nhiên, nơi đây hiện vẫn là nút giao đồng mức dạng ngã 5.
Dự án triển khai cấp bách nhằm tăng cường kết nối cho cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố. Đồng thời, nút giao cũng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực, đảm bảo giao thông thông suốt tại khu vực cửa ngõ phía đông thành phố và khu vực cảng Cát lái.
Dự án cũng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội tại TP.HCM.
An Phú là nút giao thông có lượng xe cộ lưu thông rất lớn – nơi giao nhau của ba hướng giao thông huyết mạch (cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội) nên thường xuyên xảy ra kẹt xe. Đây được coi là mô hình tiêu biểu cho sự linh hoạt trong việc hợp vốn giữa ngân sách Trung ương và TP.HCM trong xây dựng cơ sở hạ tầng.