Chiều ngày 30/09/2024, New Energy Nexus Vietnam và Clickable Impact Consulting Group lần đầu công bố “Báo cáo Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ Khí hậu tại Việt Nam 2024” với sự hỗ trợ của Chương trình SWISS Entrepreneurship Program Vietnam (gọi tắt là SWISS EP). Đây là báo cáo nghiên cứu đầu tiên đánh giá khả năng tiếp cận tài chính dành cho các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu tại Việt Nam và chỉ ra các nguồn tài trợ sẵn có dành cho các doanh nghiệp. Báo cáo này cũng xác lập danh mục các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu đã nhận được đầu tư và liệt kê những trở ngại mà họ phải đối mặt khi huy động vốn tăng trưởng.
Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Theo Ngân Hàng Thế Giới, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm tới năm 2050. Đối mặt với những thách thức này, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, cùng lúc tạo việc làm và giá trị kinh tế cho cộng đồng và các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Lĩnh vực này chỉ chiếm 4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam vào năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trên toàn thế giới là 10%.
Theo bà Thảo Trần, Giám đốc Quốc gia New Energy Nexus tại Việt Nam chia sẻ: “Đây là báo cáo nghiên cứu đầu tiên đánh giá khả năng tiếp cận tài chính dành cho các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu tại Việt Nam và cũng chỉ ra các nguồn tài trợ sẵn có dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Bà Thảo Trần nhận định, các startup về nông nghiệp và sản xuất thực phẩm đã huy động được 48,4% tổng số vốn, đạt 44,7 triệu USD. Startup thuộc nhóm phương tiện giao thông như Datbike, với mục tiêu trở thành “Honda của xe máy điện” và Selex Motors, tập trung vào phân khúc giao hàng chặng cuối do xe máy thống trị trong ngành hậu cần của Việt Nam hút được 37,1 triệu USD, tương đương 40,1% vốn. Tiếp theo là nhóm kinh tế tuần hoàn, chiếm 6%, nhóm chuyển đổi năng lượng chiếm 3,6% và nhóm hạ tầng xây dựng chiếm 1,8%.
Tuy nhiên, New Energy Nexus vẫn cam kết thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ khí hậu tại Việt Nam. Bà Thảo cho biết thêm, các startup trong lĩnh vực này không chỉ có khả năng giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
Nhiều ý kiến chỉ ra, để thúc đẩy tinh thần kinh doanh chất lượng và các luồng tài trợ mới vào hệ sinh thái tại Việt Nam cần chú ý hai yếu tố, bao gồm phát triển tài năng và đẩy nhanh sự hợp tác giữa những người sáng lập, nhà đầu tư, đối tác phát triển, cơ quan chính phủ và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đang nuôi dưỡng sự phát triển và phát triển của công nghệ khí hậu tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam có một hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các giải pháp công nghệ khí hậu. Tuy nhiên, các startup Việt Nam lại chưa biết tận dụng hết cơ hội trong khi các doanh nhân công nghệ khí hậu lại gặp phải một số rào cản không cần thiết.
Theo các chuyên gia, nguồn vốn đầu tư hạn chế vẫn là một nút thắt cổ chai, trầm trọng hơn do bối cảnh pháp lý không ổn định, tín hiệu cầu không đủ và tình trạng thiếu các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm có thể tạo thêm giá trị cho các công ty trong danh mục đầu tư của họ ngoài tiền mặt.
Mặt khác các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đánh giá cao một số thỏa thuận công nghệ khí hậu tại Việt Nam. Nhu cầu của các nhà đầu tư là tập trung vào các startup công nghệ khí hậu với mong muốn có sự tăng trưởng bền vững trong những năm tới tại Việt Nam.
Đồng thời, mục tiêu của các nhà đầu tư là giảm lượng khí thải CO2, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giải quyết những thách thức trong ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp.
Bà Thảo Trần nhấn mạnh: “New Energy Nexus cam kết thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ khí hậu tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng các công ty khởi nghiệp này không chỉ có khả năng giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Hy vọng rằng báo cáo này sẽ là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của nhiều khoản đầu tư và sáng kiến chính sách, tạo điều kiện cho thế hệ doanh nhân tiếp theo phát triển mạnh mẽ.”
“Báo cáo này được ra đời để trở thành kim chỉ nam cho các nhà đầu tư và các bên liên quan”, Ông Jason Lusk, Giám đốc Điều hành tại Clickable Impact, đồng tác giả của báo cáo, cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi là làm rõ những cơ hội và thách thức, từ đó tạo cơ hội cho các khoản đầu tư và các hoạt động khác trong lĩnh vực này”.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến 1 triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
Báo cáo này cũng xác lập danh mục các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu đã nhận được đầu tư và liệt kê những trở ngại mà họ phải đối mặt khi huy động vốn tăng trưởng. Hy vọng đây sẽ là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của nhiều khoản đầu tư và sáng kiến chính sách, tạo điều kiện cho thế hệ doanh nhân tiếp theo phát triển mạnh mẽ.